[Infographic]: Kinh tế 7 tháng đầu năm - điểm sáng nhất đến từ một lĩnh vực tăng mạnh đến 42%
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi chưa yên tâm tái đàn và mở rộng quy mô sản xuất.
Trong khi đó hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi, khai thác gỗ được triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu ở mức cao.
Về sản xuất công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay lĩnh vực này tiếp tục phục hồi trong tháng 7, ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước,
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, cơ quan thống kê nhận định giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm nhẹ (0,7%) so với tháng 6/2022.
Tuy nhiên tính chung 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 9%.
Trong tháng 7, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực triển khai, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.
Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 43,3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2018-2022.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 35,5 lần.
Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,63 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6% . Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 764 triệu USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 7 tăng.
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
Hoạt động vận tải trong tháng 7 diễn ra nhộn nhịp với những kết quả tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.
Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng rất cao trong dịp hè; vận tải hàng hóa tăng 79% về vận chuyển và tăng 64,3% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 37,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 16,1%, luân chuyển hàng hóa tăng 22,9%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352.600 lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.