|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

COVID-19 khiến nhiều cặp uyên ương hoãn cưới hoặc cử hành qua Zoom, đẩy ngành tiệc cưới vào cơn bĩ cực

14:16 | 24/06/2020
Chia sẻ
Giới doanh nghiệp tổ chức tiệc cưới toàn cầu từng tin rằng họ miễn nhiễm với suy thoái kinh tế vì kết hôn là nhu cầu không thể thiếu. Song đại dịch COVID-19 chứng minh suy nghĩ của họ không còn phù hợp.

Adam McGovern và Heather Quinlan sống ở thành phố Parsipanny, bang New Jersey, Mỹ. Họ yêu nhau và lên kế hoạch tổ chức hôn lễ tháng 10, với sự tham dự của người thân và bạn bè. 

Song họ thay đổi kế hoạch khi COVID-19 bùng phát, và họ không thể biết thời điểm đám cưới truyền thống có thể diễn ra.

Sau đó, họ tổ chức hôn lễ qua Zoom. Để có thể tổ chức đám cưới, McGovern liên hệ với Michael Soriano, thị trưởng thành phố Parsippany, và bày tỏ nguyện vọng. Michael Soriano thuyết phục thành công thống đốc bang New Jersey ký một sắc lệnh hành pháp, cho phép các cuộc kết hôn dân sự được diễn ra theo hình thức trực tuyến.

COVID-19 khiến nhiều cặp uyên ương hoãn cưới hoặc cử hành qua Zoom, đẩy ngành tiệc cưới vào cơn bĩ cực - Ảnh 1.

Nhiều đôi uyên ương có kế hoạch tổ chức đám cưới vào mùa xuân hay mùa hè đều hoãn đến năm 2021. Ảnh: The Knot

Chính quyền gửi giấy đăng ký kết hôn tới từng nhân chứng. Soriano trao giấy chứng nhận kết hôn tại nhà của Adam McGovern và Heather Quinlan vào ngày 20/5, thông qua cuộc gọi từ văn phòng của thị trưởng.

Trong thời điểm bình thường, tổ chức tiệc cưới là ngành kinh doanh lớn. Trên toàn thế giới, ngành có trị giá 300 tỷ USD một năm, theo nhiều ước tính. Mỗi tiệc cưới tạo việc làm và doanh thu cho một chuỗi doanh nghiệp, từ nhà cung cấp thực phẩm, nhiếp ảnh gia đến cửa hàng cung cấp hoa, các vũ đoàn.

Ngành du lịch cũng hưởng lợi từ các đám cưới có qui mô quốc tế và những bữa tiệc độc thân. Những người trong ngành kinh doanh tiệc cưới thường tự hào "không chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế" vì mọi người sẽ luôn có nhu cầu tổ chức lễ cưới. Song thực tế đã buộc họ phải nghĩ lại. Những người muốn cưới buộc phải chọn một trong hai giải pháp: hoãn lễ cưới hay tìm cách tổ chức mới.

Ở vài quốc gia, sự gián đoạn diễn ra trước khi chính quyền triển khai các biện pháp phong tỏa. Khoảng 80% số váy cưới trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, và những váy được sản xuất ở nơi khác lại thường phụ thuộc vào vải, chất liệu của quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Nhưng vào tháng 2/2020, Trung Quốc cấm nhà máy hoạt động để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19, dẫn đến tình trạng không đủ váy cưới cho các cô dâu ở Mỹ và châu Âu.

Phần lớn quốc gia bắt đầu phong tỏa từ cuối tháng 4. Lệnh cấm tụ tập khiến các đám cưới thông thường khó diễn ra ở Mỹ. The Knot - trang web lập kế hoạch đám cưới, tính toán rằng một buổi tiệc cưới ở Mỹ thường có 140 khách tham dự.

Đối với những người có kế hoạch cho ngày trọng đại, lựa chọn duy nhất là hoãn lại. Katrina Otter, đại diện một công ty lập kế hoạch tiệc cưới xa xỉ ở Anh kể rằng, hầu như tất cả cặp đôi chuẩn bị tổ chức đám cưới vào mùa xuân hay mùa hè đều hoãn đến năm 2021.

Xu hướng ấy gây khó khăn cho các nhà cung ứng. Một số nhà cung ứng đã phải tìm công việc khác để thích nghi. Các cửa hàng hoa chuyển sang phân phối và trồng hoa. Các nhiếp ảnh gia chụp những bức ảnh cuộc sống gia đình trong giai đoạn cách li xã hội. Bà Otter mở lớp đào tạo nghề lập kế hoạch tiệc cưới.

Otter dự báo nhu cầu về đám cưới vào năm tới sẽ tăng vọt. Nó cũng tương tự câu chuyện hậu phong tỏa ở Trung Quốc, khi các cặp đôi đã vội vã cử hành hôn lễ. Vào ngày 20/5 (Ngày Lễ tình nhân của Trung Quốc), hơn 200.000 cặp đôi đi đăng ký kết hôn. Ở tỉnh An Huy, số lượt đăng ký tăng 47% so với ngày 20/5 năm ngoái.

Nhạc Phong