|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVID-19 có thể nuốt chửng 2 điểm % tăng trưởng của Bình Dương nếu kéo dài đến cuối năm

23:53 | 12/08/2021
Chia sẻ
Trước tác động của dịch bệnh, trong tháng 7, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đã sụt giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020.
Các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Bình Dương sụt giảm trong tháng 7 - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Theo thông tin từ báo Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc họp để nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021.

Theo công bố, trong tháng 7, tuy một số chỉ tiêu KT-XH của tỉnh sụt giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020 nhưng những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn đem lại những đóng góp quan trọng, giúp các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong 7 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 7,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 20,3 tỷ USD, tăng 43,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt hơn 4,4 tỷ USD.

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm đạt 1,46 tỷ USD, đạt 133% và tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương ước tính 7.600 tỷ đồng, tăng 2,2%.

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng qua đạt gần 21% kế hoạch điều chỉnh với 2.578,5 tỷ đồng và đạt 25% kế hoạch Trung ương giao.

Lũy kế 7 tháng năm 2021, tổng vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gần 20% và số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn tăng hơn 83% so với cùng kỳ năm 2020.

Hai kịch bản cho những tháng cuối năm

Theo Sở KH&ĐT, trong thời gian tới, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống KT-XH của tỉnh và dự báo tình hình KT-XH của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Do đó Sở KH&ĐT đã đề xuất hai kịch bản cho những tháng cuối năm 2021. 

Trong đó, kịch bản 1 là trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021 (tức đạt mục tiêu tiêm ngừa trên 95% dân số để tiệm cận miễn dịch cộng đồng và tình hình kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh trong vùng đồng loạt được kiểm soát tốt), tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi nhanh chóng. 

Theo đó, nếu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 26%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%... thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt khoảng 7%, thấp hơn kế hoạch 8,5 - 8,7% đề ra.

Với kịch bản 2, là trường hợp đến tháng 12 dịch bệnh mới được kiểm soát. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 6,4%, và thấp hơn kế hoạch 8,5 - 8,7% đề ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Võ Văn Minh thống nhất với báo cáo kế hoạch phát triển KT-XH và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021 của Sở KH&ĐT. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trước mắt tỉnh xác định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay.

Các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Bình Dương sụt giảm trong tháng 7 - Ảnh 2.

Công nhân Công ty TNHH May mặc Nalt, xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương tham gia sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. (Ảnh minh họa: Báo Bình Dương).

Cập nhật mới nhất từ 6h sáng đến 18h ngày 12/8, cả nước ghi nhận 5.025 ca nhiễm mới trong đó số ca nhiễm tại Bình Dương là 2.117. Bình Dương đang trở thành điểm nóng của dịch bệnh.

Trước thực trạng trên, ngày 12/8, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các nguồn lực hợp pháp (nhân lực, vật lực, tài lực) để chủ động phòng ngừa và tấn công trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành chức năng và các địa phương tích cực phối hợp một cách nhuần nhuyễn và đẩy nhanh tiến độ tầm soát, truy quét COVID-19, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng dân cư và các nhà máy, xí nghiệp. 

Trên cơ sở đó liên tục thiết lập, mở rộng và duy trì vùng xanh, đồng thời thu hẹp và siết chặt công tác khoanh vùng truy quét dịch ở các điểm đỏ, vùng đỏ trong cộng đồng dân cư.

Đối với công tác ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đấy” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 16 và Công điện 1063.

Minh Hằng