|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

COVID-19: Các sản phẩm thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng sẽ giảm mạnh

17:39 | 24/04/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương nhận định trong lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thủy sản dùng ở nhà như: sản phẩm đông lạnh, đóng hộp và đồ khô để bảo quản được trong thời gian dài, giảm tiêu thụ sản phẩm tươi sống.

Bộ Công Thương cho biết theo Tổng cục Hải quan, tháng 3 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 629 triệu USD, tăng 25,5% so với tháng 2/2020, nhưng giảm 7,7% so với tháng 3/2019. 

Quí I/2020, xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,6 tỉ USD, giảm 9,73% so với quí I/2019. Xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 cải thiện so với 2 tháng đầu năm nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc dần phục hồi. 

Trong 15 ngày cuối tháng 3, xuất khẩu thuỷ sản đã phục hồi đáng kể khi tăng 29,3% so với 15 ngày đầu tháng và chỉ giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm từ 1,2% trong 2 tháng đầu năm 2020, xuống còn 0,8% trong 3 tháng đầu năm 2020. 

Bộ Công Thương nhận định nhìn chung, quí I/2020, xuất khẩu thuỷ sản giảm do xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và EU giảm, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng, nhưng mức tăng thấp. 

Trong quí 1/2020, Canada và Nga là 2 thị trường có mức tăng trưởng khả quan nhất so với cùng kỳ năm 2019, tăng lần lượt 10,1% và 22%. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu. 

Bộ Công Thương cho biết trong lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành, người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thủy sản dùng ở nhà như: sản phẩm đông lạnh, đóng hộp và đồ khô để bảo quản được trong thời gian dài.

Các sản phẩm chế biến sẵn, sơ chế phù hợp cho chế biến ở nhà và sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình, thấp sẽ được lựa chọn nhiều hơn. 

Các sản phẩm thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng sẽ giảm mạnh. Xu hướng này sẽ còn kéo dài ở hầu hết các thị trường, kể cả sau khi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.

VASEP cho rằng diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. 

Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp nhỏ) không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh.

VASEP cho biết doanh nghiệp thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhằm giảm bớt áp lực và khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19: miễn nộp kinh phí Công đoàn, giảm thuế  thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, thuê kho lạnh, gia hạn thanh toán điện, giãn nợ, cho vay lãi suất thấp,...

H.Mĩ