|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Công ty Trung Quốc làm 'Uber xe đạp' ở Mỹ, Anh

17:02 | 27/12/2016
Chia sẻ
Ứng dụng Ofo của Trung Quốc sẽ chuyển 20.000 chiếc xe đạp đến Mỹ và Anh để triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp ở đây. 
cong ty trung quoc lam uber xe dap o my anh

Nếu doanh nhân Dai Wei đến từ Trung Quốc thành công, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các kỹ sư công nghệ ở Thung lũng Silicon và các sinh viên đại học ở London sẽ sớm di chuyển bằng những chiếc xe đạp "made in China" chỉ sau vài cú trượt tay trên màn hình điện thoại.

Thay vì bán xe đạp, doanh nhân Dai Wei đang hướng đến việc thuyết phục khách hàng chia sẻ xe đạp với nhau thông qua startup mới theo mô hình giống như Uber. Theo đó, start up mang tên Ofo của Dai Wei đang chuẩn bị chuyển 20.000 xe đạp do Trung Quốc sản xuất đến Mỹ và Anh ngay sau kỳ nghỉ Giáng sinh để bắt đầu dịch vụ.

"Di chuyển trên những quãng đường ngắn đang là nhu cầu của toàn cầu", Dai Wei nói trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post ở Bắc Kinh. "Hiện có 3 tỷ cư dân mạng trên khắp thế giới. Còn số lượng người có thể đi xe đạp có thể hơn 5 tỷ người. Nếu chúng ta làm đúng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội lớn ở nước ngoài", ông này nói tiếp.

cong ty trung quoc lam uber xe dap o my anh
Dai Wei, 25 tuổi, người sáng lập Ofo.

Được thành lập năm 2014, Ofo được định giá 500 triệu USD sau khi nhận 100 triệu USD tiền đầu tư hồi tháng 9. Nhóm đầu tư bao gồm một quỹ mà người đứng sau là Lei Jun, sáng lập viên của tập đoàn Xiaomi cùng Didi-Chuxing, nhà điều hành ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc hiện nay. Didi-Chuxing cũng là công ty đã mua lại Uber Trung Quốc.

Chia sẻ xe đạp vẫn còn là khái niệm khá mới. Hiện có khoảng 640 hệ thống chia sẻ xe đạp đang hoạt động trên khắp thế giới, với hơn 640.000 chiếc đang được sử dụng.

Theo dự báo của hãng tư vấn Roland Berger, thị trường này sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm, với doanh thu đạt 5,8 tỷ USD vào năm 2020.

Điều khiến các startup như Ofo khác biệt là cho phép người sử dụng thuê xe đạp thông qua smartphone, sau đó trả xe ở bất cứ chỗ nào họ thích, thay vì những địa điểm cố định. Công ty sẽ đi thu gom sau mỗi giờ cao điểm, trả xe lại các địa điểm cho thuê.

Khởi đầu từ một dự án ở trường đại học chuyên phục vụ sinh viên, Ofo hiện có mặt ở 22 thành phố Trung Quốc với khoảng 5 triệu người đăng ký. Công ty thu một nhân dân tệ cho mỗi giờ sử dụng. Tại thị trường Mỹ, Dai dự tính sẽ thu một USD mỗi giờ.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ có lãi vào năm 2017", ông Dai nói. "Công ty đã ký kết hợp đồng đối tác với nhiều nhà sản xuất xe đạp ở Trung Quốc. Kể cả khi phải vận chuyển xe đến các nước khác, chi phí vẫn chỉ bằng khoảng một phần ba nếu mua từ các nhà cung cấp phương Tây", ông này nói tiếp.

Để phục vụ nhu cầu của người dùng nước ngoài một cách tốt hơn, Ofo cho biết họ sẽ sớm cho ra mắt ứng dụng tiếng Anh.

Xe đạp Phượng Hoàng Thượng Hải, nhà sản xuất xe đạp lâu đời nhất Trung Quốc từ năm 1897 và một nhà sản xuất khác, sẽ sản xuất các dòng xe lớn hơn phù hợp với vóc dáng người phương Tây.

Trong vài tháng qua, có tới 17 công ty khác cũng lần lượt được thành lập để cung cấp dịch vụ tương tự Ofo ở Trung Quốc, trong bối cảnh các quỹ và nhà đầu tư đang tận dụng dòng vốn rẻ để tìm kiếm các startup mới tại nền kinh tế đông dân và đông người sử dụng Internet nhất thế giới.

Theo chuyên gia tư vấn Wang Chenxi, đó cũng là lý do khuyến khích Ofo tấn công ra thị trường nước ngoài.

Ofo thực ra không phải là công ty đầu tư thực hiện tham vọng này. Beijing Mobike Technology, được sự hậu thuẫn của đại gia Internet Tencent Holdings, cũng mới công bố kế hoạch lấn sân sang thị trường Singapore vào năm 2017. Tencent cũng là cổ đông của Didi-Chuxing, công ty đã đầu tư vào Ofo.

"Chia sẻ xe đạp là ngành kinh doanh mà người thắng sẽ giành được tất cả", nhà phân tích Wang Chenxi nói.

"Không cần thiết phải có hai ông lớn cạnh tranh nhau. Bất cứ người nào ra tay trước sẽ giành được vốn đầu tư trước. Và vốn đầu tư sau đó sẽ tạo ra thị phần. Nguyên tắc thành công là công ty đó sẽ sử dụng đồng tiền hiệu quả như thế nào".

Vân Vũ