|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty Trung Nam đề nghị làm đường dây 500 kV: Đằng sau khoản đầu tư hào phóng

12:25 | 16/11/2019
Chia sẻ
Mong muốn được hưởng giá mua điện theo mức rất cao là 9,35 UScent/kWh trong vòng 20 năm, cùng với dự án điện mặt trời, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) đã đề nghị xây dựng đồng thời 15,5 km đường dây truyền tải 500 kV.

Xin cơ chế riêng

Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ninh Thuận), do Công ty Trung Nam đề xuất, ngoài Nhà máy điện mặt trời 450 MW, còn xây dựng các trạm biến áp 35/220/500 kV với quy mô công suất 3 x 900 MVA. Giai đoạn năm 2020 lắp trước 2 máy biến áp (MBA) 900 MVA vận hành đồng bộ với nhà máy. 

Đầu tư đường dây 500 kV mạch kép dài 15,5 km để đấu nối về trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân của ngành điện; xây dựng 4 mạch đường dây 220 kV dài khoảng 1 km từ trạm biến áp của Nhà máy tới các trục đường dây truyền tải quốc gia…

Tổng mức đầu tư dự án là 11.814 tỷ đồng, trong đó Nhà máy điện mặt trời là 9.493 tỷ đồng; trạm biến áp và các đường dây đấu nối là 2.321 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự tính vốn tự có là 30%, vốn vay là 70%.

Trong đề nghị của tỉnh Ninh Thuận về bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia nêu rõ, Công ty Trung Nam cam kết, nguồn vốn thực hiện Dự án do chủ đầu tư tự thu xếp, không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước; trạm biến áp 500 kV và các đường dây đấu nối sẽ đi vào vận hành trong năm 2020.

Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN quản lý, không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư. Trong trường hợp EVN không tiếp nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất với EVN và EVNNPT.

Chủ đầu tư cũng cam kết cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trên thực tế, Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam chưa có trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đang có hiệu lực, vì vậy, để được đầu tư, trước tiên Dự án phải được Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý bổ sung vào Quy hoạch.

Điểm mấu chốt chính ở dự án này là việc nhà đầu tư muốn được hưởng giá bán điện mặt trời 9,35 UScent/kWh với thời gian 20 năm kể từ khi vận hành theo như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, dù quyết định này đã hết hiệu lực với các địa phương từ ngày 1/7/2019.

Riêng với tỉnh Ninh Thuận, dù có Nghị quyết 115/2018/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương, trong đó có cho phép kéo dài thời gian hưởng ưu đãi giá bán điện 9,35 UScent/kWh tới hết năm 2020, song lại giới hạn ở mức công suất không vượt quá 2.000 MW.

Tại Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời được bổ sung cấp tập vào Quy hoạch Điện VII trong năm 2018 đã chạm mức công suất 2.000 MW và vẫn còn vài chục dự án khác, với quy mô hàng ngàn MW đang xếp hàng chờ được bổ sung.

Chính vì vậy, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã nhận xét, nếu cho phép Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam hưởng mức giá điện 9,35 UScent/kWh, thì các dự án điện mặt trời khác cũng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang chờ bổ sung Quy hoạch có được áp dụng mức giá này không?

Hưởng lợi một mình?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia ngành điện cho hay, ở góc độ kỹ thuật, Dự án điện mặt trời quy mô 450 MW Trung Nam - Thuận Nam hoàn toàn có thể không cần đầu tư đường dây 500 KV để truyền tải. 

Nhà đầu tư muốn xây dựng 15,5 km đường dây 500 kV mạch kép là bởi muốn điện phát ra của Dự án được mua hết, để có được lợi ích kinh tế cao nhất từ giá điện 9,35 UScent/kWh, thay vì bị mắc truyền tải như thực trạng bùng nổ điện mặt trời trong hơn 1 năm qua tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo tính toán của chủ đầu tư, với quy mô đầu tư cả đường dây truyền tải nói trên, dự án sẽ mất 13 năm để hoàn vốn.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, khi có đường dây do một nhà đầu tư tư nhân làm thì một bên thứ ba muốn đấu nối vào đó sẽ xử lý thế nào nếu nhà đầu tư đường dây nói là đã đầy tải, không đồng ý cho đấu nối. 

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc phát điện tới người mua cuối cùng của bên thứ ba thì lại chưa rõ ràng. Như vậy, sẽ dẫn tới lãng phí tài nguyên quốc gia trên bình diện chung.

“Công ty Trung Nam đề xuất đầu tư ở Ninh Thuận một trạm 500 kV cùng đoạn đường dây 500 kV đấu nối vào Vĩnh Tân và nói là sẵn sàng bàn giao miễn phí cho EVN, nhưng đồng thời họ cũng yêu cầu được bổ sung vào quy hoạch điện thêm 450 MW điện mặt trời của tại Ninh Thuận nữa. 

Vậy thì đường dây đó cũng chủ yếu xây phục vụ họ chứ không phải để cho tất cả cùng dùng. Chưa kể, Ninh Thuận đang quá tải về điện mặt trời và không có lưới truyền tải đi xa thì việc bổ sung 450 MW cũng không dễ hấp thụ được”, ông Kim nói.

Bộ Công thương cũng khá thận trọng với dự án này trong quá trình thẩm định khi cho hay, mặc dù Công ty Trung Nam là chủ đầu tư có năng lực, nhưng Bộ cũng nhận được nhiều đề xuất dự án tại nhiều tỉnh cùng đến từ nhà đầu tư là Công ty Trung Nam. Việc triển khai nhiều dự án đồng thời sẽ tác động nhất định tới năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thị Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, mức giá 9,35 UScent/kWh trong vòng 20 năm cho các dự án điện mặt trời đã đi vào vận hành là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác và đề nghị Bộ trưởng cho biết, so sánh giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này.


Thanh Hương