|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty may gia đình độc quyền phân phối Pierre Cardin có biên lợi nhuận gộp vượt xa các công ty niêm yết

13:01 | 22/09/2020
Chia sẻ
Công ty TNHH May thêu Giày An Phước thuộc sở hữu của vợ chồng bà Nguyễn Thị Điền ghi nhận doanh thu 1.834 tỉ đồng năm 2019, mức biên lợi nhuận gộp lên tới 36,2%.

Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH May thêu Giày An Phước vừa công bố thông tin đã phát hành xong 100 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 8/9 với kì hạn 5 năm.

Trước đó vào ngày 3/8, An Phước đã phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu cũng với kì hạn 5 năm. Lãi suất, tài sản đảm bảo và thông tin trái chủ không được doanh nghiệp công bố.

Ngày 28/8 vừa qua, An Phước đã thế chấp toàn bộ của hàng hoá của công ty tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Nam Sài Gòn. Doanh nghiệp thế chấp toàn bộ hàng hoá tại ngân hàng ngay trước thời điểm phát hành 100 tỉ trái phiếu nên nhiều khả năng đây là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này.

Trong năm 2020, An Phước đã tiến hành thế chấp một ô tô Mercedes – Benz  dòng V250 Luxury 7 chỗ; quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giữa công ty và Sở địa chính TP HCM; tổng giá trị của quyền đòi nợ/các khoản phải thu và hàng tồn kho tối thiểu 200 tỉ đồng tại ngân hàng. 

Theo tìm hiểu, An Phước được thành lập từ năm 1992 tại miền Nam, khởi nguồn là một xưởng may gia công xuất khẩu.

Định vị sản phẩm may mặc ở phân khúc cao cấp, thương hiệu An Phước tập trung vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao.

An Phước đã mua bản quyền để độc quyền phân phối thương hiệu Pierre Cardin của Pháp ở Việt Nam nên bảng hiệu An Phước – Pierre Cardin luôn được đặt cạnh nhau.

Không chỉ ở Việt Nam mà An Phước còn là đối tác chiến lược với Pierre Cardin trong việc độc quyền phân phối sản phẩm phụ kiện thời trang nam, thời trang nam thương hiệu Pierre Cardin tại thị trường Lào, Campuchia hơn 20 năm qua.

Hiện An Phước có hệ thống khoảng 156 cửa hàng trên cả nước gồm hệ thống cửa hàng thương hiệu An Phước - Pierre Cardin và hệ thống cửa hàng thời trang lót thương hiệu Bonjour – Anamai.

Lộ diện công ty dệt may có biên lợi nhuận gộp vượt mặt nhiều ông lớn niêm yết - Ảnh 1.

Ảnh: Website Aeon mall Hà Đông.

Theo thông tin từ website doanh nghiệp thì An Phước có 11 nhà máy với công suất trên một năm là 5 triệu sơ mi, 1,2 triệu quần tây cùng khaki, 300.000 veston, 1,5 triệu giày thể thao, 4 triệu đồ lót, 1,2 triệu dệt seamless và 1,5 triệu sản phẩm khác.

An Phước có vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Trong đó bà Nguyễn Thị Điền – người sáng lập và Giám đốc công ty nắm 50,67% vốn cùng chồng bà là ông Giang Văn Thinh (Trần Chiến) – Chủ tịch Hội đồng thành viên nắm 49,22% vốn. 0,11% cổ phần còn lại thuộc về một cá nhân khác.

Lộ diện công ty dệt may có biên lợi nhuận gộp vượt mặt nhiều ông lớn niêm yết - Ảnh 2.

Nguồn: H.K tổng hợp từ bản thay đổi đăng kí kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp

Con trai của bà Điền và ông Thinh là ông Trần Minh Khoa đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc tại An Phước.

Theo số liệu người viết có được, doanh thu và lợi nhuận của An Phước liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2019, doanh nghiệp đạt 1.834 tỉ đồng doanh thu, 664 tỉ đồng lợi nhuận gộp; tăng lần lượt 9% và 38% so với thực hiện năm 2018. 

Lộ diện công ty dệt may có biên lợi nhuận gộp vượt mặt nhiều ông lớn niêm yết - Ảnh 3.

Nguồn: H.K tổng hợp

Mức biên lợi nhuận gộp của An Phước năm 2019 là hơn 36,2%, cao hơn so với rất nhiều "ông lớn" dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán như May Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè, Vinatex, TCM, TNG...

Xét về cả giai đoạn 2016 - 2019 thì biên lợi nhuận gộp của An Phước luôn vượt trội hơn hẳn so với nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Lộ diện công ty dệt may có biên lợi nhuận gộp vượt mặt nhiều ông lớn niêm yết - Ảnh 4.

Nguồn: H.K tổng hợp

Mặc dù vậy, do công ty phải trả một số tiền lớn cho chi phí bán hàng, đặc biệt là việc mở 156 cửa hàng hầu hết tại các vị trí đắc địa có giá thuê đắt đỏ, nên tỉ suất lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ tương đương May Việt Tiến.

Năm 2019, May An Phước đạt 1.834 tỉ đồng doanh thu thuần và 74 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần ở mức 4%.

Về qui mô tài sản, hết năm 2019, tổng tài sản của An Phước đạt 2.273 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 971 tỉ đồng và nợ phải trả khoảng 1.302 tỉ đồng.

Lộ diện công ty dệt may có biên lợi nhuận gộp vượt mặt nhiều ông lớn niêm yết - Ảnh 5.

Nguồn: H.K tổng hợp

Hoàng Kiều