Công ty lên sàn, CEO 'bỏ túi' hàng tỷ USD
Làm nghề gì dễ trở thành CEO nhất? |
Gần đây nhất khi công ty thương mại điện tử Pinduoduo Inc. chuẩn bị IPO tại Mỹ, CEO của công ty này nhận khối cổ phiếu trị giá ít nhất 1 tỷ USD mà không cần phải cam kết hoàn thành chỉ tiêu nào về tài chính của công ty.
Tháng 7 này khi công ty sản xuất điện thoại Xiaomi Corps. ở Bắc Kinh lên sàn, người đứng đầu công ty - ông Lei Jun “bỏ túi” 1,5 tỷ USD mà không có ràng buộc nào về hoạt động của công ty trong tương lai.
Tương tự, chủ tịch công ty JD.com Inc. cũng “ăn đậm” 591 triệu USD khi công ty này lên sàn năm 2014.
Việc trả thưởng hậu hĩnh trong các đợt IPO mà không yêu cầu hoàn thành kế hoạch trong tương lai là khá bất thường vì bản thân việc công ty lên sàn đã mang lại lợi ích rất lớn cho CEO và các lãnh đạo khác.
Những nhà sáng lập của Pinduoduo, Xiaomi và JD nắm sở hữu đáng kể tại các công ty này và lập tức trở thành tỷ phú sau khi lên sàn dù không có khoản tiền thưởng kếch sù kể trên. Vì vậy nhiều người lo ngại rằng, các khoản tiền thưởng này sẽ gián tiếp gây thiệt hại cho cổ đông tương lai và khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng dù chưa sẵn sàng.
Ông Michael Cheng, Phó Giám đốc tại ESG Research at MSCI Inc. nhận định: “Nhìn chung, chúng tôi coi những khoản thù lao không kèm theo ràng buộc về hoạt động của công ty là không phục vụ lợi ích tốt nhất của cổ đông.
Khối tài sản của ông Colin Huang – CEO của Pinduoduo – có thể sẽ sớm chạm mức 8,3 tỷ USD, bao gồm sở hữu của ông ở công ty thương mại điện tử và khoản thưởng từ đợt IPO. Theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index, ông sẽ nằm trong Top 25 người giàu nhất Trung Quốc.
Con số 8,3 tỷ USD được tính toán ra dựa trên mức thấp nhất trong khoảng giá của đợt IPO sắp tới. Nếu tính theo mức giá cao nhất, giá trị tài sản của ông Colin Huang sẽ lên tới 9,9 tỷ USD, giúp ông trở thành người giàu thứ 16 tại Trung Quốc.
Hình minh họa. |
Những khoản thưởng lớn ngoài làm giàu cho người sáng lập và CEO còn có nhiều tác động khác.
Thứ nhất, khoản thưởng này khuyến khích các CEO đưa công ty của mình lên sàn để các nhà đầu tư vốn tư nhân mạo hiểu (venture capital) trước đây có thể thoái vốn.
Thứ hai, thưởng bằng cổ phiếu giúp làm tăng tỷ lệ sở hữu của người sáng lập, hạn chế hiệu ứng pha loãng trong những vòng tăng vốn sau.
Thứ ba, có một giả thuyết cho rằng việc trả thưởng lớn trước thềm niêm yết là để tránh những quy định công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp nghiêm ngặt đối với các công ty đại chúng, bao gồm việc giới hạn lượng cổ phiếu thưởng cho lãnh đạo và các hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phiếu thưởng này.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc đại lục tồn tại văn hóa tặng quà và Chủ tịch hoặc CEO muốn sở hữu thật nhiều cổ phiếu để có thể tặng cho nhân viên hay đối tác của công ty.
Tesla Inc. cũng quyết định thưởng cho CEO Elon Musk tới 55,8 tỷ USD trong 10 năm tới nhưng với điều kiện CEO này đưa công ty đạt được một số tiêu chí tài chính như doanh thu đạt 150 tỷ USD và giá trị thị trường 650 tỷ USD.
Trong trường hợp Xiaomi, ông Lei Jun là cổ đông lớn nhất của công ty và chiếm đa số quyền biểu quyết. Vì vậy khi công ty này công bố thưởng cho lãnh đạo 1,5 tỷ USD mà không có ràng buộc nào về kết quả hoạt động của công ty trong tương lai, nhiều nhà đầu tư cảm thấy nghi ngờ.
Khoản thưởng này cũng được nhắc tới trong phần những nhân tố rủi ro của bản cáo cáo bạch IPO, cảnh báo nhà đầu tư về chi phí thưởng cổ phiếu lớn trong tương lai và pha loãng sở hữu của cổ đông hiện hữu. Giám đốc Xiaomi ông Lin Bin cho biết hội đồng quản trị công ty quyết định thưởng cho ông Lei Jun vì những đóng góp tâm huyết của ông trong 8 năm qua.
Ông Frank Bi đến từ công ty luật Ashurst tại Hong Kong nhận định “Thưởng lớn bằng cổ phiếu mà không kèm theo điều kiện thế này là rất hiếm. Nhà đầu tư nên coi đây là một cảnh báo về vấn đề quản trị doanh nghiệp”.