|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nghiệp hỗ trợ Việt: 'Chính sách nhiều nhất, thực thi kém nhất thế giới'

21:05 | 16/09/2016
Chia sẻ
"Việt Nam có nhiều chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng về thực thi lại kém nhất thế giới"  - GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận xét.
cong nghiep ho tro chinh sach nhieu nhat thuc thi kem nhat the gioi
Công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Tạp chí Tài chính.

GS Nguyễn Mại nêu quan điểm tại Hội thảo thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) hôm nay (16/9).

Theo TS Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản), văn bản pháp lý cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất nhiều, từ Trung ương đến địa phương đều có. Nhưng theo chuyên gia này, việc thực thi chưa thực sự hiệu quả.

Vị chuyên gia Nhật dẫn chứng, chỉ tính riêng 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh đều có hai trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chuyên gia phỏng vấn 20 doanh nghiệp, một số không biết tới sự hỗ trợ này, hầu hết số còn lại trả lời rằng "không cần thiết hoặc các trung tâm đó không hỗ trợ được".

Bởi vì, khác với việc hỗ trợ về công nghệ như ở Nhật Bản, các trung tâm của Việt Nam chủ yếu trợ giúp về thủ tục hành chính.

Ví dụ, hai trung tâm ở các tỉnh, một trung tâm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục khi bắt đầu, hướng dẫn chính sách của Chính phủ, hỗ trợ điều tra thị trường. Trung tâm khác thuộc Sở Công thương có nhiệm vụ cung cấp thông tin, lời khuyên, tư vấn quản lý doanh nghiệp.

Nhà nước đã đưa ra rất nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, chính sách ưu đãi vốn, thuế thu nhập cho doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... GS Nguyễn Mại nhận định, Việt Nam có nhiều chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng về thực thi kém nhất thế giới.

Ông chia sẻ: "Các nước phát triển công nghiệp hỗ trợ đều chọn cải cách các trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, hiện các địa phương đều lập trung tâm hỗ trợ nhưng không đánh giá chất lượng nên không hiệu quả".

Nói về ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay, chuyên gia nhật Bản cho rằng, trong chuỗi sản xuất, Việt Nam mới chỉ làm được bao bì. GS Nguyễn Mại bình luận: "Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ của nước ta mới chỉ làm được hàng trình độ công nghệ vừa phải, thiết bị đòi hỏi công nghệ cao như linh phụ kiện máy tính bảng, điện thoại di động ta vẫn chưa làm được".

Theo bà Tuệ Anh, hiện nay quy mô của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ, có những doanh nghiệp rất nhỏ chỉ dưới 10 lao động. Vì vậy, việc đầu tư công nghệ cao hay đưa vào sản xuất hàng loạt ở các đơn vị này rất khó. TS Sakurada còn cho rằng có đơn vị gọi tên là doanh nghiệp nhưng thực ra chỉ là cửa hàng bán lẻ. Tỉ lệ doanh nghiệp ngành công nghiệp của Việt Nam thấp.

Bà Tuệ Anh đánh giá, do thiếu thông tin năng lực giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nên liên kết dọc, ngang giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được trọn vẹn. "Nên bỏ bớt các trung tâm địa phương và thành lập trung tâm hỗ trợ tập trung hơn", bà nêu quan điểm.

Còn chuyên gia đến từ Viện Mitsubishi đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ công nghệ theo mô hình của nhật Bản. Ở đó sẽ hỗ trợ năng lực kĩ thuật và tăng cường năng lực kinh tế, cũng như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Minh Tâm