Công nghiệp hỗ trợ: \"Không thể chấp nhận là xưởng gia công mãi được\"
Nội địa hoá đạt 40% để hưởng thuế suất 0%
Tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/11, nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo lắng khi lâu nay vẫn "loay hoay" với gia công, lắp ráp... mà chưa có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
Ông Bùi Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội cho rằng, ngành công nghiệp nhựa Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nước trong khu vực. Ngành nhựa nước ta có sức cạnh tranh yếu do bị hàng rào thuế quan "bủa vây", máy móc lạc hậu, chất xám còn hạn chế. Do đó, dung lượng của ngành cung cấp cho các đơn hàng của những nhà lắp ráp ô tô chưa đủ lớn. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước e ngại khi được đề nghị là "vệ tinh" của các tập đoàn. Nhà đầu tư nước ngoài cũng ít quan tâm đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vì thị trường nhỏ.
Doanh nghiệp trình bày về những ý tưởng sản phẩm trước Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng phòng Toyota Việt Nam cho biết, nội địa hoá linh kiện sẽ giúp giảm giá thành cho ô tô trong nước hơn là nhập khẩu. Hiện nay, Toyota Việt Nam đang gia tăng nội địa hoá bằng đầu tư các chi tiết trên xe, mời các nhà sản xuất linh kiện truyền thống Nhật vào đầu tư tại Việt Nam.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco Trường Hải cho biết, mục tiêu đến năm 2020, Thaco đạt 500.000 xe và năm 2025 sẽ là 800.000 xe. Hơn nữa, công ty này cũng đang đẩy mạnh nội địa hoá bằng mẫu mã, kiểu dáng riêng đến 40% nhằm hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu trong thị trường ASEAN. Do đó, khi thị phần lớn, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng giá trị gia tăng đáng kể.
"Ô tô con đạt tỷ lệ nội địa hoá 40% là rất khó nhưng với dòng xe tải, xe bus thì không lo sợ gì, thậm chí đủ sức cạnh tranh với Thái Lan. Chúng ta đã sản xuất được cản xe, dây điện, áo ghế, túi khí, linh kiện xe bus. Thậm chí, đã xuất 300 bộ linh kiện xe bus sang thị trường Nga để phục vụ World Cup 2018", ông Dương cho biết.
Những thông tin trên cho "loé" lên tia hy vọng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, Chủ tịch Thaco cho rằng, để ngành này phát triển, cần phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước.
"Phải có doanh nghiệp chiến lược, doanh nghiệp đầu tàu. Nếu không bảo vệ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tàu thì khó để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp lớn phải thể hiện ý chí, nghị lực, tinh thần yêu nước. Phải gia tăng giá trị gia tăng thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ", ông Trần Bá Dương nói.
Cơ cấu nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp còn thấp, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị lớn xuất khẩu phần lớn là gia công
Không thể là "xưởng gia công" mãi được!
Về giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội cho rằng, trước hết cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị, quản lý doanh nghiệp.
"Chúng ta không thể trở thành nhà cung cấp cho các công ty lớn nếu thiếu trình độ, năng lực. Chính phủ và các Bộ ngành cần cung cấp đầy đủ các thông tin chính sách, thị trường để doanh nghiệp có phương hướng hoạt động", ông Nam đề xuất.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng vụ công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương cho rằng, do năng lực doanh nghiệp nước ta còn hạn chế, xuất phát điểm thấp nên ngành chưa thực sự mạnh. Muốn "vươn ra biển lớn", sự cố gắng của doanh nghiệp là chủ yếu, vai trò của nhà nước chỉ là "bà đỡ" và hỗ trợ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dù Việt Nam liên tục duy trì được đà tăng trưởng trung bình 7%/năm, quy mô nền kinh tế mở rộng hơn nhưng chất lượng nền kinh tế còn thấp, kéo theo đó là sức cạnh tranh yếu.
Thời gian qua, dù đã nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cơ cấu nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp còn thấp, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị lớn xuất khẩu phần lớn là gia công.
Ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng giá trị gia tăng đáng kể
Nguyên nhân của những hạn chế đó là do các doanh nghiệp đầu tàu trong và ngoài nước chưa tập trung đầu tư thoả đáng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tàu, sự quan tâm, gắn kết giữa các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chưa hiệu quả. Đồng thời, việc đào tạo, nghiên cứu của chúng ta chưa gắn thực tiễn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, chúng ta không thể chấp nhận mãi là "xưởng gia công" nhưng mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hoá phải phù hợp với thực tế Việt Nam.
"Cần nghiên cứu, phát triển các ý tưởng, công tác quản lý sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Phải tạo thương hiệu Made in Vietnam chứ không thể mãi với những sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu cạnh tranh", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ lắng nghe nguyện vọng từ doanh nghiệp để có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế.