Công nghệ số là đòn bẩy khi sản phẩm, chính sách không còn là yếu tố cạnh tranh
Theo số liệu Ban tổ chức chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" công bố, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.
Chia sẻ tại buổi diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam 2020 với nội dung "Thoát hiểm và bứt tốc trong COVID-19", các diễn giả đều cùng chung quan điểm rằng kinh tế số là xu hướng phát triển rất tất yếu của công nghệ và xã hội ngày nay.
Khi sản phẩm, chính sách bán hàng không còn là yếu tố cạnh tranh
Bà Dương Thanh Tâm, chuyên gia quản trị chiến lược, Phó tổng giám đốc VinCommerce, chia sẻ: "Ngành bán lẻ là một ngành rất đa dạng. Hiện nay sản phẩm và chính sách bán hàng không còn là vũ khí cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trên thị trường".
Bà Tâm giải thích rằng khách hàng hiện gần như không thể phân biệt được rõ ràng sự vượt trội của sản phẩm và chính sách bán hàng giữa các nhà bán lẻ. Trên thực tế, các chuỗi bán lẻ và siêu thị như Big C, VinMart, hay các cửa hàng bán lẻ địa phương khác đều kinh doanh Coca Cola, Lavie, rau, củ, quả, hàng hóa như nhau.
Từ đó, bà đưa ra hai yếu tố mới trong biểu đồ cạnh tranh: Tiện ích trải nghiệm khách hàng và tính tiện lợi trong mua sắm. Cả hai yếu tố trên sẽ dần hình thành rõ và cần đòn bẩy công nghệ số.
Doanh nghiệp sẽ phục vụ khách hàng với tâm thế: "Khách hàng đang ở đâu, họ cần sản phẩm ra sao, doanh nghiệp sẽ tiếp cận họ ở đó". Việc nhận thức được phải tạo ra sự khác biệt không từ sản phẩm và chính sách bán hàng mới có thể tạo sức bật cho doanh nghiệp.
Tiền đề cho việc chuyển đổi số
Theo bà Tâm, đầu tiên doanh nghiệp phải có sự thay đổi về mô hình kinh doanh. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải xác định chuyển đổi số đóng vai trò như thế nào trong mô hình kinh doanh mới.
"Chuyển đổi số không phải là xu hướng, doanh nghiệp phải xác định mô hình trong đó vai trò của chuyển đổi số là mang lại những giá trị gì về mặt tài chính", bà Tâm nhấn mạnh.
Đồng thời, bà cũng cho rằng mô hình kinh doanh mới phải mang lại tăng trưởng doanh thu và sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng hiện hữu và tìm kiếm khách hàng mới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, B2B, B2C nói chung, phải đầu tư trong dài hạn về quản trị chuỗi cung ứng và logistics.
Theo bà Tâm, doanh nghiệp phải dành ít nhất từ một đến ba năm để củng cố hệ thống logistics và chuỗi cung ứng. Tương tác khách hàng trên hệ thống bao gồm ba đối tượng là khách hàng mua sắm, các đối tác và khách hàng nội bộ.
"Thông thường, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào khách hàng mang lại doanh số là khách mua sắm. Tuy nhiên các đối tác và khách hàng nội bộ mới là những người trực tiếp tương tác với nền tảng số của doanh nghiệp", bà Tâm nói.
Đồng ý với quan điểm đó, ông Trần Công Quỳnh Lân, Giám đốc Số hóa tại VietinBank cũng cho rằng không nên quá chú trọng trải nghiệm khách hàng mà phải tập trung vào trải nghiệm nội bộ, đưa những công cụ tăng năng suất lao động cho nhân viên.
Ông Lân chia sẻ rằng VietinBank hiện đang triển khai nhiều hệ thống tối ưu hoá qui trình, tăng năng suất nội bộ. Đơn cử như việc nhân viên sử dụng Chatbot để xin nghỉ phép, lãnh đạo sẽ sử dụng công cụ này để phê duyệt.
Câu chuyện chuyển đổi số của VietinBank, Viettel Post
Đại diện từ VietinBank cho rằng chuyển đổi số là năng lực cạnh tranh và điểm khác biệt của công ty, bởi các sản phẩm của ngân hàng giờ như nhau, cạnh tranh hiện tại là sự trải nghiệm.
Ông Lân cũng chia sẻ về tư duy chuyển đổi số của VietinBank: Trong thời gian đại dịch vừa qua, ngân hàng ưu tiên chuyển đổi số nâng cao trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm tại chi nhánh, trên mobile banking và tại các ứng dụng mobile của người dùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, cho biết trước kia ngành bưu chính thường vận chuyển thư. Nhưng khi có internet, thư tay dần chuyển thành thư giao dịch viết tay. Do đó, hàng hóa Viettel Post vận chuyển hầu hết là hàng thương mại điện tử.
"Chúng tôi phải trải qua thời gian rất dài để có thời điểm hiện tại, từ việc khách hàng không sử dụng máy tính sang sử dụng máy tính, từ việc sử dụng máy tính sang điện thoại thông minh và sử dụng phần mềm. Hiện tại, khách hàng cần thông tin thì tất cả đều được số hoá, dùng Chatbot", ông Long chia sẻ.
Để chuyển đổi số trong logistics, ông Long cho rằng doanh nghiệp cần xác định khách hàng của doanh nghiệp là ai, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp là gì. Tiếp đến là xác định các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh. Sau cùng là đầu tư để mang lại những trải nghiệm mà khách hàng có được khi doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số.