|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

‘Cổng địa ngục’ rực cháy suốt 50 năm, gần 4 triệu tấn khí đốt bị lãng phí

19:28 | 12/10/2021
Chia sẻ
Hố gas Darvaza đã rực lửa trong suốt 50 năm qua, thải ra hàng triệu tấn khí CO2 mà không đem lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào.
‘Cổng địa ngục’ rực cháy suốt 50 năm, gần 4 triệu tấn khí đốt bị lãng phí - Ảnh 1.

Hố gas Darvaza đã cháy suốt 50 năm qua. (Ảnh: NMK Photography).

"Cánh cổng địa ngục" là cái tên mà người dân địa phương đặt cho hố gas Darvaza nằm ở sa mạc Karakum, cách thủ đô của Turkmenistan khoảng 230 km.

Cảnh tượng ánh lửa nhảy múa giữa đêm đen sa mạc tĩnh lặng chỉ là một phần lý do của biệt danh đáng sợ nói trên. Nhiệt độ và ánh sáng của hố gas này còn thu hút nhiều loại động vật. Theo Smithsonian Magazine, người dân bản địa có khi trông thấy hàng nghìn con nhện lao mình xuống những ngọn lửa đang rực cháy.

Nhưng bằng cách nào mà hố lửa tử thần này lại xuất hiện ở giữa sa mạc vùng Trung Á?

Vào năm 1971 khi Turkmenistan vẫn là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ, một nhóm các nhà địa chất Xô Viết đã tới Karakum để tìm dầu mỏ. Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học này tin rằng dưới lớp đất cát sa mạc là một mỏ dầu lớn nên đã bắt đầu khoan.

Thật không may, vị trí khoan là một túi khí tự nhiên lớn và không thể chịu được sức nặng của các thiết bị thăm dò dầu khí cồng kềnh. Nền đất sụp xuống và kéo theo cả giàn khoan.

Ở các khu vực lân cận, nền đất cũng sập xuống theo hiệu ứng domino và tạo ra nhiều hố tương tự.

Hố lớn nhất trong số này có đường kính khoảng 70 mét, sâu 20 mét. Theo một số nguồn tin, không có ai thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ sập hố này. Tuy nhiên các nhà khoa học Xô Viết lại gặp phải một vấn đề khác là khí tự nhiên thoát ra từ lòng đất.

Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm methane (mê-tan, công thức hóa học là CH4). Loại khí này không độc nhưng vẫn chiếm chỗ của oxy, khiến mọi người cảm thấy khó thở. Nhiều loại động vật sinh sống ở sa mạc Karakum bắt đầu lăn ra chết sau khi các miệng hố được hình thành.

‘Cổng địa ngục’ rực cháy suốt 50 năm, gần 4 triệu tấn khí đốt bị lãng phí - Ảnh 2.

Nhiều du khách hiếu kỳ đến xem hố gas tử thần ở sa mạc Karakum. (Ảnh: NMK Photography).

Một mối nguy khác từ methane là loại khí này rất dễ bắt cháy, nồng độ methane trong không khí chỉ cần đạt 5% là có thể phát nổ.

Vì vậy, các nhà khoa học quyết định châm lửa vào miệng hố để cho các loại khí tự nhiên cháy hết, dự kiến trong vòng vài tuần. Sau đó, công việc thăm dò và khai thác dầu khí sẽ có thể tiếp tục.

Theo Smithsonian Magazine, trong lĩnh vực khai thác năng lượng, việc đốt bỏ khí gas là điều vẫn thường xảy ra hàng ngày chứ không có gì là điên rồ.

Dầu có thể được bơm vào các thùng lớn và lưu trữ trong thời gian dài sau khi khoan. Tuy nhiên khí tự nhiên thì cần phải được đưa qua nhà máy xử lý ngay lập tức rồi mới có thể đi vào các kho lớn. Nếu không thể xử lý khí, nhà khai thác sẽ dùng một mồi lửa để đốt bỏ.

Theo ước tính vào năm 2014, chỉ riêng bang North Dakota của Mỹ đã đốt bỏ 1 triệu USD khí tự nhiên mỗi ngày, tương đương 27% tổng lượng khí đi lên từ lòng đất, chỉ vì không kịp xây dựng cơ sở xử lý. Tỷ lệ % lãng phí đang giảm xuống nhưng giá trị tuyệt đối thì tăng lên do quy mô khai thác ngày càng lớn.

‘Cổng địa ngục’ rực cháy suốt 50 năm, gần 4 triệu tấn khí đốt bị lãng phí - Ảnh 3.

Hố gas Darvaza rực cháy vào ban đêm. (Ảnh: Robert Harding World Imagery/Corbis).

Ở Turkmenistan, ngọn lửa ban đầu được dự đoán sẽ cháy trong vài tuần thực tế đã đỏ rực trong suốt 50 năm qua. Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có ước tính đáng tin cậy nào về trữ lượng khí đốt ở dưới hố gas "Cổng địa ngục" nên không ai biết khi nào ngọn lửa sẽ tắt.

Sau khi đến thăm hố gas này vào năm 2010, Tổng thống Turkmenistan là ông Kurbanguly Berdymukhamedov đã tỏ ra lo lắng rằng ngọn lửa nơi đây có thể đe dọa triển vọng phát triển các mỏ khí ở gần đó.

Ông đã yêu cầu chính quyền địa phương lên kế hoạch lấp "Cổng địa ngục". Tuy vậy cho đến nay, hố gas vẫn còn nguyên vẹn, ngọn lửa vẫn rực cháy, thu hút du khách quốc tế và trở thành cái bẫy chết chóc với nhiều loài động vật.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Journal of Physics Special Topics vào tháng 12/2020 ước tính rằng trong 50 năm qua, hố gas Darvaza của Turkmenistan đã đốt cháy 3,8 triệu tấn khí methane, thải ra không khí khoảng 10 triệu tấn khí CO2.

Tất cả nhiệt lượng của hố gas này đều tỏa ra môi trường xung quanh chứ không phục vụ lợi ích kinh tế nào. Nếu xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở bên trên miệng hố này với hiệu suất hoạt động 33% thì có thể tạo ra công suất 44,7 MW, tương đương với năng lượng 15 tỷ kWh mỗi năm và đủ để đáp ứng 2,6% nhu cầu điện của Turkmenistan.

Đức Quyền