'Cơn sốt' lan truyền: Đoạn phố có đến hàng chục quán trà sữa chen chân
Thị trường trà sữa "bùng nổ"
Tranh thủ buổi trưa, chị Hoàng Giang (nhân viên văn phòng tại Lý Nam Đế, Hà Nội) rủ mấy người bạn thân đi ăn trưa, sau đó đến quán trà sữa Gong Cha trên phố Lý Thường Kiệt. Chị Giang gọi một ly trà xanh Gong Cha cỡ nhỏ có giá 43.000 đồng (nếu ly lớn là 49.000 đồng), thêm trân châu 10.000 đồng, tổng cộng ly của chị Giang có giá 53.000 đồng.
Quán trà sữa Gong Cha trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. |
"Nếu tôi gọi trà cỡ lớn và thêm đầy đủ thạch thì giá lên đến 80.000 đồng/ly, đắt gấp đôi, gấp ba so với đi uống trà phê hay sinh tố thông thường. Vẫn biết uống trà sữa này nhiều đường sẽ bị béo nhưng vì trà có vị rất ngon nên cứ 2-3 tuần tôi lại qua thử một lần", chị Giang chia sẻ.
Tại quán trà sữa Gong Cha này, ngày đầu mới mở cửa, khách nô nức đứng xếp hàng chen chúc chờ đến lượt mua do quán khá bé. Có khi mất cả nửa tiếng đồng hồ mới đến lượt. Nhiều người không đủ kiên nhẫn phải bỏ về. Để đáp ứng nhu cầu của khách, quán trà này thuê hẳn một đội ngũ shipper chuyên vận chuyển hàng cho những khách không đủ kiên nhẫn đứng đợi.
Sở dĩ quán trà này đông khách bởi nó mang thương hiệu nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) và ăn khách khắp châu Á. Kể từ khi được thành lập vào năm 2006, số lượng chuỗi cửa hàng Gong Cha ở hơn 10 quốc gia đã tăng lên đến 1.000 cửa hàng và vẫn tiếp tục mở rộng không ngừng. "Thị trường trà trân châu ở Đài Loan đã bão hòa. Tuy nhiên, loại sản phẩm và dịch vụ này còn mới mẻ ở thị trường nước ngoài. Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội này để mở rộng phạm vi kinh doanh, giới thiệu sản phẩm trà hảo hạng đến khách hàng trên toàn thế giới", đại diện hãng trà cho hay. Hiện Gong Cha đã mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội trên phố Hàng Cót.
Khách xếp hàng dài chờ mua trà sữa |
Không chỉ có Gong Cha mà cơn sốt trà sữa đang lan tỏa khắp Hà Nội trong mấy năm trở lại đây. Thị trường có sự tham gia của hàng chục thương hiệu trà sữa quốc tế cũng như Việt Nam như Ding Tea, Chago, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Chatime, Bobapop, Citea Fun, Blackball, Goky… Không chỉ có trà sữa Đài Loan mà còn có trà sữa Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Mức giá của những ly trà sữa dao động trong khoảng 40.000 - 80.000 đồng/ly. Khách hàng chủ yếu là thanh niên và nhân viên văn phòng, đông nhất là giới học sinh, sinh viên.
Theo những bạn trẻ là "tín đồ" của đồ uống trà sữa, trào lưu trà sữa không mới tại Việt Nam. Nó đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000 với công thức pha chế đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Với giá bán khá rẻ, trà sữa khi đó phù hợp với giới học sinh, sinh viên.
Khoảng 3 năm trở lại đây, trào lưu trà sữa bùng phát trở lại, cùng với cơn sốt trà sữa trên toàn châu Á. Tuy nhiên cơn sốt lần này mang nhiều đặc điểm khác. Đó là sự cạnh tranh rất mạnh mẽ của nhiều thương hiệu về chất lượng sản phẩm, cách thức trang trí bắt mắt cũng như phong cách phục vụ.
Cơn sốt lần này nóng đến nỗi, nhiều thương hiệu vốn "không liên quan" cũng chuyển qua bán trà sữa như KFC, Coffee House...
"Cuộc chiến" mặt bằng kinh doanh
Trên phố Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa mới mọc lên một cửa hàng trà sữa lớn. Đại diện cửa hàng cho biết để tìm được địa điểm bán trà sữa trên phố lớn rất khó khăn. Ông phải đi khắp các quận tại Hà Nội mới thuê được vị trí này. Tiêu chí đặt ra là: nằm trên trục đường lớn, thuận tiện đi lại, gần các trường đại học, có chỗ để xe cho khách...
Ngoài ra, chủ hiệu trà sữa phải vận động chủ nhà cho thuê toàn bộ các tầng để có không gian đủ rộng. Cửa hàng trà sữa thường có quầy bán ở tầng 1, các khu vực cho khách ngồi nói chuyện ở tầng trên, kho dành cho nhân viên...
Theo khảo sát của phóng viên, những khu vực hiện có nhiều quán trà sữa nhất tại Hà Nội là những phố lớn gần nhiều trường Đại học như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Trần Đại Nghĩa...
Chẳng hạn, trong vòng bán kính 1 km bao quanh các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đến 30 quán trà sữa đủ loại thương hiệu trên các phố Trần Thái Tông, Xuân Thủy, Nguyễn Phong Sắc... Lượng khách lúc nào cũng đông do nhu cầu của sinh viên với loại đồ uống này rất cao.
Khi thị trường trà sữa nở rộ, nhiều người mong muốn mau chóng thâu tóm những cửa hàng có vị trí đẹp để kinh doanh "hốt bạc". Họ sẵn sàng trả mức giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường để thuê cửa hàng.
Đông nghẹt khách trong một quán trà sữa. |
Chị Liên ở đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) cho biết, nhiều cửa hàng trước kia bán thời trang, điện thoại nhưng giờ cũng nhường chỗ cho trà sữa. “Nhà tôi trước đây cho thuê cửa hàng bán quần áo mỗi tháng được 20 triệu đồng. Có hàng trà sữa đến hỏi thuê lại và trả giá 25 triệu đồng/tháng nên tôi đồng ý ngay”, chị Liên cho biết.
Được biết, giá thuê chỉ là một phần, bởi sau khi thuê, chủ cửa hàng phải bỏ số tiền không nhỏ để cải tạo, sửa chữa cửa hàng sao cho nhìn thật hút mắt, "xì tin". Có như vậy mới thu hút được khách hàng trẻ tuổi.
Theo "mách nhỏ" của một số nhân viên pha chế trà sữa, giá vốn của ly trà sữa chỉ tầm 15.000 - 20.000 đồng nhưng bán với giá đến 50.000 - 80.000 đồng. Lợi nhuận cao vậy nên nhiều người lao vào kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ mới thấy, tại Hà Nội từng diễn ra rất nhiều trào lưu đồ uống của giới trẻ như trà chanh chém gió, chè khúc bạch, cà phê take-away… Tuy nhiên, những cơn sốt này cũng chỉ bùng lên được một thời gian rồi mau chóng... nguội. Do đó, nhiều người dự đoán cơn sốt trà sữa cũng trong tình cảnh tương tự.
Ông chủ Pizza Home, Coffee Bike nói gì về cơn sốt trà sữa?
Ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home, Coffee Bike, đã có những chia sẻ với Zing.vn về sự "bành trướng" của trà sữa ... |