|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Còn quá sớm để bàn về khủng hoảng tài chính

21:24 | 19/03/2020
Chia sẻ
Hiện còn quá sớm để bàn về khủng hoảng tài chính. Vì vậy, chỉ có thể chờ đợi và hy vọng vào điều tốt nhất, cũng như chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Còn quá sớm để bàn về khủng hoảng tài chính - Ảnh 1.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ bằng “tiền tươi”. Ảnh: Đức Thanh

Từ suy thoái đến khủng hoảng tài chính

Ngày giao dịch 12/3 đánh dấu sự khủng hoảng tâm lý trên diện rộng ở hầu hết các thị trường cổ phiếu toàn cầu. Các chỉ số cổ phiếu công nghiệp Dow Jones và S&P 500 của Mỹ có mức sụt giảm mạnh nhất trong 30 năm.

El Erian, kinh tế gia của Allianz, người từng dự đoán từ cuối tuần trước là thị trường sẽ tiếp tục giảm trong tuần này, đã dùng đến từ “suy thoái” khi dự đoán về triển vọng kinh tế. Ông tin rằng, số liệu tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của nhiều nền kinh tế chủ chốt sẽ ở mức âm và suy thoái là khó tránh khỏi. 

Về mặt kỹ thuật, suy thoái kinh tế được xác nhận khi liên tục 2 quý có GDP âm. Khả năng này là cao, nhưng không phải là 100%.

Tại thị trường Mỹ, sau khi có một phiên rớt giá kỷ lục trong ngày 12/3, thị trường Mỹ đã đảo chiều tăng ngoạn mục vào ngày 13/3, lấy lại gần 90% những gì đã mất trong ngày đen tối lịch sử trước đó.

Tuy nhiên, một ngày tăng điểm không làm thay đổi sự thật về triển vọng nền kinh tế toàn cầu. Khả năng một số nền kinh tế rơi vào suy thoái là cao, đặc biệt là châu Âu - tâm dịch Covid-19.

Một số công ty sản xuất xe hơi chủ chốt của Italy như Fiat Chrysler đã quyết định đóng cửa một phần nhà máy của mình. Trong khi đó, ở Anh, nhiều khả năng trong 1 - 2 tuần tới, nhiều lễ hội và sự kiện lớn sẽ bị hủy, kéo theo sự đình đốn của ngành dịch vụ ăn uống, du lịch và khách sạn. 

Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động, nên sự đình đốn này sẽ dẫn đến lượng lớn người thất nghiệp. Hệ quả là vấn đề vỡ nợ.

Ở đây, có 3 loại vỡ nợ có thể xảy ra.

Thứ nhất là vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ số hoán đổi tín dụng phá sản (CDS) của các trái phiếu rủi ro cao của Mỹ (tức là thu nhập cũng cao) tăng lên mức 688 điểm, cao nhất kể từ năm 2012. 

Ngay cả với các trái phiếu an toàn hơn (loại investment grade), thì chỉ số CDS cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2011. Vì CDS được xem như là khoản phí bảo hiểm trả để đổi lại được bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ, nên chi phí CDS cao phản ánh thị trường đang rất lo sợ về vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Mỹ.

Thứ hai là vỡ nợ tín dụng ngân hàng. Ngoài vay trái phiếu, nhiều công ty có thể vay các khoản vay hợp vốn (syndicated loans) từ các ngân hàng. Tình hình dịch bệnh hiện tại khiến một số công ty lớn, kinh doanh ổn định cũng phải đóng cửa. 

Nếu tình hình này kéo dài hết quý II/2020, thì rất khó để cho rằng, các doanh nghiệp lớn vay nợ cao ở ngân hàng không gặp rắc rối.

Thứ ba là vỡ nợ các khoản vay tiêu dùng. Trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ đình trệ, người lao động mất việc sẽ tăng. Người lao động mất việc thì họ không có thu nhập trả các khoản vay tiêu dùng.

Đó chính là mầm mống của cuộc khủng hoảng tài chính mới. Vậy liệu suy thoái kinh tế có dẫn đến một hoặc nhiều đợt vỡ nợ và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu?

Khủng hoảng hay không phụ thuộc vào hiệu quả chi tiêu của chính phủ và thời gian kéo dài dịch bệnh

Các gói chi ngân sách đang được chính phủ các nước lần lượt tung ra trong vài tuần qua. Đây là lúc cần có “tiền tươi” để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiền tươi có thể ở dạng gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, hỗ trợ thuế gần 30.000 tỷ đồng được cam kết ở Việt Nam. Nó cũng có thể là tiền hỗ trợ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như ở Nhật Bản, tiền chi cho công dân từ 18 tuổi trở lên ở Hồng Kông. Đó cũng có thể là gói hỗ trợ giãn nợ vay mua nhà như ở Italy. 

Nhưng đó nhất định phải là “tiền tươi”, là doanh nghiệp thật sự có thêm tiền (hoặc giảm khoản tiền dự định cần chi ra), chứ không phải là những quyết định cắt lãi suất, bơm thanh khoản cho ngân hàng, nhưng tiền không chạy ra khỏi ngân hàng, mà quay lại những kênh an toàn như trái phiếu chính phủ.

Hiện tại, chính phủ các nước đã ít nhiều chi “tiền tươi”, tức là họ đã bắt đúng bệnh của thị trường nợ. Vấn đề liều lượng và thời điểm của các đợt can thiệp này có đủ hiệu quả không thì cần phải chờ đợi và quan sát. Đồng thời, hiện cũng còn sớm để nói về khủng hoảng nợ có xảy ra hay không.

Ngoài thị trường nợ, chi tiêu tiêu dùng và thị trường nhà là hai trụ cột khác của nền kinh tế. Mỗi khi kinh tế suy thoái, thu nhập người dân giảm, thì chi tiêu tiêu dùng và giá nhà đều có xu hướng giảm theo. 

Đây là những thứ cũng chỉ có thể được kích thích bằng cách tăng thu nhập của người lao động trong xã hội để họ có tiền mua sắm hàng hóa và trả tiền thuê nhà cao hơn - một yếu tố quan trọng đẩy giá nhà.

Thế nhưng, nếu dịch Covid-19 kéo dài quá lâu, thì không có nguồn lực ngân sách nào có thể “cứu” được nền kinh tế và khi đó, sự sụp đổ của 3 trụ cột tín dụng - thị trường nhà - chi tiêu tiêu dùng là khó tránh khỏi. 

Nói nôm na, Covid-19 kéo dài, người dân không thể đi làm thì tiền đâu trả nợ, mua sắm và trả tiền nhà. Vì Covid-19 lây lan toàn cầu, nên đây sẽ không phải là một cuộc sụp đổ ở một nước, mà là một đợt đổ vỡ toàn cầu.

Tuy nhiên, Covid-19 kéo dài bao lâu thì không ai biết. Có những tính toán cho rằng, đỉnh dịch sẽ vào khoảng 10-14 tuần nữa ở châu Âu và Mỹ. Nếu như vậy, thì vẫn nằm trong khả năng chống chịu của chính phủ các nước này. Trung Quốc cũng đang gượng dậy sau khi bị dịch bệnh tàn phá từ đầu năm. Đó là những tín hiệu khả quan.

Vì vậy, ở thời điểm này, chỉ có thể chờ đợi và hy vọng vào điều tốt nhất, cũng như chuẩn bị cho phương án xấu nhất. Lo sợ khủng hoảng vào lúc này sẽ không giúp được gì và bàn về nó lúc này là quá sớm. Nỗi sợ có tính lây lan và chỉ khiến người ta hành động phi lý trí. Lúc cần kiên nhẫn quan sát thì nên kiên nhẫn.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh)