|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ cho ngành lương thực thực phẩm Việt Nam

11:34 | 08/08/2019
Chia sẻ
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến nông sản, lượng thực, thực phẩm và khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, bất cứ một thị trường xuất khẩu nào cũng đều có những rào cản riêng, buộc các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua.

Nhiều thị trường 'hứa hẹn' cho ngành lương thực thực phẩm

Tại Hội thảo Cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng ngành lương thực thực phẩm do Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM phối hợp tổ chức chiều ngày 7/8 tại TP HCM, ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết ngành lương thực thực phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam đang có cơ hội tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chủ lực đạt gần 27 tỉ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, nhóm hàng nông sản chủ lực xuất khẩu đạt 12,3 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch từ 3 tỉ USD trở lên như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều và gạo.

Đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đến 200 thị trường, trong đó có nhiều thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Dự kiến đến năm 2050, dân số thế giới hơn 9 tỉ người, do đó nhu cầu lương thực thực phẩm cần tăng 70%. 

4bf64aaf63ea84b4ddfb

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chia sẻ thông tin. Ảnh: Như Huỳnh.

Đáng chú ý theo ông Long, thời gian tới thuế nhập khẩu của các đối tác theo các Hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc giảm, điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU, sẽ tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo đó giúp có thêm năng lực sản xuất nông thủy sản mới.

Còn theo ông Ramlan Osman, Giám đốc Vietnam Halal Center, hiện sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn Halal (sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng) cho thị trường người Hồi giáo mới chỉ đáp ứng gần 10% yêu cầu, trong khi thị trường này giá trị đến gần 2 tỉ USD.

"Việt Nam có nền kinh tế nội địa mạnh mẽ cho sự phát triển trong tương lai với tốc độ phát triển GDP tăng trung bình 6 - 7%/năm.

Việt Nam sở hữu dồi dào nguyên vật liệu thô rất tiềm năng cho Halal gồm cà phê, gạo, các sản phẩm từ biển, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả. 

Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hơn 90% khoảng trống giữa nhu cầu và thị sản xuất các sản phẩm Halal toàn cầu", ông Ramlan Osman cho hay.

Khó khăn vẫn tiềm ẩn

Đại diện Bộ Công thương cho biết Chính phủ và các Bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp...

Tuy nhiên, còn có những thách thức như thương mại toàn cầu năm 2019 vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Nguy cơ về một cuộc thương chiến giữa các cường quốc, dẫn đến tâm lí không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Chính phủ các quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, EU... áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, các qui định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU)…

Trong khi đó, "tại thị trường trong nước, sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. 

Có những sản phẩm không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam...", ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo ông Long, hiện các bộ ngành đã và đang có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu như tháo gỡ các rào cản kĩ thuật, thương mại bất hợp lí, mở cửa thị trường, tạo thêm "sân chơi" cho các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, về qui hoạch vùng sản xuất, khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi...

"Riêng đối với xuất khẩu nông thủy sản sang các nước có chung biên giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan  tăng cường quản lí và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái cây.

Phối hợp với các tỉnh giáp biên tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng như gạo, đường, trao đổi với phía bạn để giải quyết kịp thời nguy cơ ùn tắc tại cửa khẩu khi một số nông sản xuất khẩu vào chính vụ...", đại diện Bộ Công thương chia sẻ.

574e7d145451b30fea40

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như xây dựng, phát triển thương hiệu, cung cấp thông tin, khảo sát thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, kết nối doanh nghiệp với các đối tác, liên kết chuỗi phục vụ xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, quản lí chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm trong nuôi, trồng, sản xuất và chế biến nông sản.


Như Huỳnh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.