'Cơn khát' nhân sự bán dẫn và 5 từ khoá của chủ tịch FPT
Tại cuộc họp thường niên mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ đối với các đối tác nước ngoài, họ coi trọng hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá gồm: AI, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Và ông Bình nhận định đây là 5 từ đã quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua và tiếp tục duy trì trong 1/4 thế kỷ còn lại.
"Với 5 từ khoá đó, Việt Nam được chọn, thời khắc của chúng ta đã đến", ông Trương Gia Bình nói.
Tại đây, ông Bình nêu lý do vì sao Việt Nam được chọn. Câu chuyện bắt nguồn từ hành trình chất bán dẫn đi từ Mỹ ra các thị trường, bắt đầu với Nhật Bản rồi tới Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ đã chọn Việt Nam khi các đoàn cố vấn của Mỹ liên tục sang Việt Nam làm việc.
"Chúng ta được chọn vì ta là bạn ở mức độ cao nhất của quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ và Trung Quốc. Và ngành bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Vậy tại sao lại có sự ưu tiên này? Ông Bình nói nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt. Nhiều quốc gia và vùng lãnh tổ đã thay đổi vận mệnh dân tộc bằng bán dẫn. Năm 2022, thị trường Đài Loan chính thức vượt thu nhập đầu người so với Nhật Bản. Trước đó, vùng lãnh thổ này đã xây dựng 40 nhà máy bán dẫn và khai trương ba nhà máy trong năm nay nhưng không có đủ nguồn nhân lực.
Ông Bình cho biết qua các chuyến công tác Đài Loan, ông hiểu "cơn khát" lao động bán dẫn của họ với việc thiếu hụt một nửa tài năng cho ngành. Chủ tịch FPT kể rằng giới chức Đài Loan cấp học bổng bán dẫn nhưng không có người học.
Chủ tịch FPT bày tỏ sự choáng ngợp khi gặp một công ty Đài Loan có 600 nhân viên phần mềm, tạo ra doanh thu gần một tỷ USD. Ông nói: “Giá trị thị trường của họ rơi vào khoảng 7-8 tỷ USD, họ cho biết làm phần mềm cho các bên bán dẫn. Tôi cảm giác mình có lỗi vì trước đó rất lâu tôi từng đến Đài Loan thăm TSMC khi họ còn nhỏ mà không hiểu bán dẫn cũng là phần mềm, nếu ngày ấy hiểu bán dẫn là phần mềm thì giờ đã khác".
"Hàn Quốc xây dựng một thành phố bán dẫn cũng không người làm. Còn Nhật Bản thì sao? Họ đánh rơi nghề sản xuất bán dẫn, vì thế nên họ đã quyết tâm tái xây dựng lại ngành bán dẫn Nhật Bản. Họ muốn đi vào công nghệ mới nhất 2 nano, tiến đến 1 nano.
Tôi sang Mỹ, gặp các trường đại học nổi tiếng… Austin là thành phố mới nổi, tập đoàn Google, Intel, IBM đã về đây nhưng họ không có lao động. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất họ cấp visa đặc biệt để người Việt Nam vào Mỹ", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Vị lãnh đạo nhấn mạnh phát triển phần mềm cho bán dẫn là một ngành có nhiều dư địa trong lĩnh vực bán dẫn. Do đó, lực lượng lao động của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia ngành. Ông Bình cũng lấy ví dụ với tập đoàn chip bán dẫn Đài Loan, MediaTek khi họ mở công ty ở Mỹ nhưng tuyển phần lớn nhân sự Việt Nam do thiếu lao động.
Về kế hoạch chuẩn bj cho tương lai của bán dẫn Việt Nam, ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã làm việc với các đối tác ở Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản để tìm đầu ra cho nguồn nhân lực được đào tạo. Theo đó, nhân lực tại các nhà máy hiện đại xây lại ở Nhật Bản sẽ do FPT cung cấp.
“Chúng ta lại ký với Đài Loan đào tạo nhân lực, ký kết với loạt các đơn vị để có đầu ra. Khi có đầu ra thì các thanh niên Việt Nam sẽ làm. Làm phần mềm lương là một thì bán dẫn lương là ba. Hấp dẫn cả về công việc và thu nhập”, ông Trương Gia Bình nói về định hướng.
Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho biết đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 – 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.