Cơn gió ngược của các nhà sản xuất máy bay
Bên cạnh đó, FAA cũng đang xác minh việc làm thế nào các bộ phận được làm từ titan có hồ sơ giả mạo lại xuất hiện trên các máy bay do Airbus và Boeing sản xuất trong những năm gần đây.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 14/6, cả Airbus và Boeing đều khẳng định các máy bay có những bộ phận được làm từ titan có hồ sơ bị làm sai lệch hoặc giả mạo đều an toàn để bay. Tuy nhiên, Boeing cho biết đang dỡ bỏ các bộ phận "có vấn đề" khỏi những chiếc máy bay chưa được bàn giao cho khách hàng. Các cơ quan chức năng của Mỹ, trong đó FAA, sẽ quyết định cách thức giải quyết đối với những máy bay đã hoạt động.
FAA khẳng định "đang điều tra phạm vi và tác động" của vụ việc. Theo FAA, Boeing đã báo cáo lên cơ quan này về việc một nhà cung cấp vật liệu "có thể đã làm sai lệch hoặc cung cấp hồ sơ không chính xác". Nhưng FAA không nên tên nhà cung cấp.
Boeing và Airbus không cho biết có bao nhiêu máy bay đang sử dụng các bộ phận làm từ titan có hồ sơ bị làm sai lệch.
Spirit AeroSystems, công ty chế tạo thân máy bay cho Boeing và cánh cho Airbus, đã báo cáo các hồ sơ bị làm giả. Người phát ngôn của Spirit AeroSystems Joe Buccino nêu rõ titan đã xâm nhập vào hệ thống cung cấp thông qua hồ sơ bị làm giả. Theo ông, khi xác định được vấn đề này, tất cả bộ phận nghi ngờ đã được loại bỏ khỏi quá trình sản xuất của Spirit.
New York Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về cuộc điều tra của FAA. Tờ báo cho biết một nhà cung cấp phụ tùng đã phát hiện những lỗ nhỏ trên vật liệu do bị ăn mòn. Cũng theo tờ New York Times, tập đoàn Titanium International Group của Italy (I-ta-li-a) đã nhận thấy vật liệu titan trông khác với lần cung cấp trước đó và hồ sơ đi kèm dường như đã bị làm sai lệch hoặc làm giả.
Báo trên cho biết các bộ phận làm từ titan có hồ sơ bị làm giả đã được sử dụng trên các máy bay phản lực Boeing 737, 787 Dreamliner và Airbus A220, chế tạo từ năm 2019 đến năm 2023. Hiện chưa rõ có bao nhiêu máy bay bị ảnh hưởng hoặc hãng hàng không nào đã sở hữu những máy bay này.
Hợp kim titan đã được sử dụng để sản xuất máy bay trong nhiều thập niên qua do trọng lượng nhẹ, độ bền cùng khả năng chống ăn mòn và chịu nhiệt cao.
Cuối tháng 5/2024, Boeing đã đưa một lộ trình an toàn toàn diện và cam kết thực hiện những quy trình này theo kế hoạch các nhà quản lý đưa ra. Động thái trên diễn ra giữa lúc Boeing gần đây phải chịu sự giám sát chặt chẽ do một loạt sự cố liên quan những dòng máy bay của hãng làm dấy lên lo ngại về các tiêu chuẩn sản xuất và bảo trì.
Giám đốc FAA Mike Whitaker cho biết kế hoạch của Boeing bao gồm tăng cường đào tạo và giao tiếp cho nhân viên, củng cố hệ thống báo cáo ẩn danh để khuyến khích nhân viên báo cáo các vấn đề an toàn mà không e ngại, và tăng cường giám sát nhà cung cấp.
FAA sẽ tiếp tục thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn an toàn mỗi máy bay MAX trước khi giao hàng. Quy trình trên đã được cải thiện kể từ tháng 1/2024 để bao gồm việc FAA trực tiếp kiểm tra máy bay thay vì dựa vào hệ thống kiểm toán.
Ông Whitaker cho biết FAA sẽ theo dõi tiến độ của Boeing bằng cách sử dụng 6 "chỉ số đo lường hiệu suất chính" (KPIs) để đánh giá xem hoạt động của công ty này có được cải thiện đủ để FAA có thể dỡ bỏ giới hạn sản xuất MAX ở mức hiện tại là 38 chiếc mỗi tháng hay không. Người đứng đầu FAA khẳng định đây là vấn đề về thay đổi hệ thống theo thời gian và còn rất nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, Airbus gần đây đã nhấn mạnh tác động của căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ và áp thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhận được yêu cầu bình luận về quyết định nêu trên của Ủy ban châu Âu (EC), người phát ngôn của nhà sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới không đề cập trực tiếp về động thái này, nhưng cho biết căng thẳng thương mại đang là thách thức đối với các doanh nghiệp trên thế giới.
Người phát ngôn cho biết những diễn biến đó đang thử thách khả năng phục hồi của các công ty toàn cầu như Airbus. Hãng này có quan hệ làm ăn với nhiều khách hàng trên toàn cầu. Do đó, các biện pháp thuế quan thương mại làm tăng độ phức tạp và chi phí cho chuỗi cung ứng lẫn các khách hàng của Airbus.