|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Cơn ác mộng' thiếu container rỗng sẽ quay trở lại?

07:00 | 19/01/2024
Chia sẻ
Căng thẳng khu vực Biển Đỏ khiến thời gian hoàn trả container dài hơn. Các chuyên gia cho rằng nếu tình hình này kéo dài, tình trạng thiếu container sẽ quay trở lại.

Vận tải biển sẽ thiếu container rỗng nếu căng thẳng Biển Đỏ kéo dài

Hoạt động vận tải biển trên thế giới đang ngày càng “nóng” do căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đỏ, sau khi lực lượng Houthi tấn công tàu thương mại. 

Các tàu chở hàng buộc phải tránh kênh đào Suez và đi vòng qua Mũi Hảo Vọng khiến thời gian di chuyển thêm 8 - 21 ngày đối với các tuyến tàu nối giữa châu Á và Trung Đông tới châu Âu, đồng thời chi phí cũng tăng theo.

Nhiều người bắt đầu tỏ ra lo ngại “cơn ác mộng” thiếu vỏ container rỗng từng xảy ra năm 2020 - 2021 đang quay trở lại. Bởi, nếu thời gian di chuyển của các tàu kéo dài hơn thì đồng nghĩa thời gian hoàn trả vỏ container cũng sẽ kéo dài hơn. 

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, phụ trách chính nhóm ngành Vận tải thuộc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán SSI cho biết vòng quay vỏ container đang dài hơn. 

Ông Giang so sánh chuỗi vận chuyển hàng hoá qua đường biển giống như một vòng quay đồng hồ. Thông thường, container của các đội tàu có thể mất 1-3 tháng để đi hết một vòng tròn, tức đi từ điểm xuất khẩu đến điểm nhập khẩu, sau đó quay lại. Nhưng nếu vòng quay đó kéo dài thêm 1/3 thì sẽ xảy ra tình trạng mất cân bằng container và chuỗi cung ứng. Việc các hãng tàu mất nhiều thời gian hơn đi chuyển (do phải đi đường vòng) sẽ là tác nhân khiến vòng quay container bị kéo dài.

Chia sẻ với chúng tôi bên lề cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều ngày 18/1, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng tỏ ra quan ngại trước vấn đề này. 

“Nếu tình trạng căng thẳng khu vực Biển Đỏ kéo dài thì sẽ dẫn đến rủi ro thiếu container rỗng. Hiện nay, tình trạng này mới bắt đầu xảy ra. Bên cạnh đó, lượng hàng đi từ châu Á sang châu Âu khá nhiều nên lượng container rỗng vẫn còn. Do đó, tạm thời chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung container rỗng”, ông Hải nói. 

Theo Reuters, các nhà giao dịch hàng hoá thế giới cho rằng ở thời điểm hiện tại, số lượng vỏ container sẵn có trên thế giới vẫn đáp ứng nhu cầu và chưa chịu tác động giống những gì đã xảy ra như thời đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, họ tin rằng rủi ro vẫn có. 

Cước vận chuyển container liên tục tăng trong một tháng nay do các hãng tàu phải chịu nhiều chi phí. Chỉ số cước vận tải container thế giới tính đến ngày 11/1 ở mức 3.072 USD/FEU (container 40 feet), gấp đôi so với thời điểm cách đây một tháng. Trong đó, cước tàu đi từ Thượng Hải sang cảng Rotterdam (Hà Lan) gấp hơn 2,5 lần.

 Chỉ số cước tàu container toàn cầu trong một năm qua (Đơn vị: USD/FEU, nguồn: MacroMicro)

“Nếu căng thẳng Biển Đỏ kéo dài, giá cước vận chuyển container quốc tế trong quý II và III có thể tiếp tục tăng mạnh từ nền cước thấp tại thời điểm hiện tại, và sẽ thay đổi bức tranh của ngành vận tải container toàn cầu trong năm 2024 theo hướng tích cực hơn so với các dự báo trước đó”, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết. 

Thanh khoản thị trường vỏ container đang cải thiện

Căng thẳng Biển Đỏ gây ra những rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng ở góc nhìn tích cực hơn thì đây lại là thông tin tích cực đối với thị trường vỏ container - vốn xuống đáy sau thời kỳ thăng hoa 2021 - 2022. 

Ông Trần Thanh Hải cho rằng với những doanh nghiệp sản xuất container thì đây lại là cơ hội. Nhưng ở Việt Nam hiện mới chỉ có Hoà Phát sản xuất vỏ container, còn lại Trung Quốc hiện đang chiếm tới 90% thị phần của cả thế giới. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, kỳ vọng thanh khoản sẽ cải thiện khi thời gian hoàn trả container rỗng của các hãng tàu lâu hơn. 

“Điều chúng tôi quan tâm là thanh khoản và đây sẽ là đầu của chu kỳ phục hồi của thị trường container, sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ bắt đầu tốt dần từ giữa hoặc cuối năm 2024. Khi thanh khoản của thị trường tốt lên, giá container cũng sẽ tăng hơn và ngành sản xuất container cũng sẽ sáng sủa hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông sự kiện ở Biển Đỏ tuy không giúp giá container tăng nhiều nhưng đã tác động tích cực đến thanh khoản. 

“Trong một vài tuần gần đây đã có khách hàng hỏi mua container. Một số hãng vẫn tải quốc tế cũng đã quan tâm nhiều hơn. Một số công ty vận tải lớn đã đến Hoà Phát để khảo sát và bắt đầu quan tâm đến những đơn hàng nhỏ”, lãnh đạo tập đoàn cho biết.

Mặc dù vậy, sự kiện ở Biển Đỏ được cho là chỉ có tác động trong ngắn hạn, không phải là động lực chính trong thời gian tới.

“Căng thẳng tại Biển Đỏ chỉ có tác động ngắn hạn đối với thị trường container, trừ khi xung đột xảy ra ở quy mô rất lớn tại Trung Đông. Còn hiện tại, dòng chảy thương mại chưa lâm vào tình cảnh thiếu hụt container rỗng trầm trọng”, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát cho biết.

Nhà máy sản xuất container của Hoà Phát khởi công từ tháng 6/2021 - thời điểm thế giới đang trong cơn khát vỏ container rỗng do dịch COVID-19 khiến chuỗi cũng ứng của thế giới bị đứt gãy. Nhà máy sản xuất container Hòa Phát có tổng công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container chở hàng phổ thông 20 và 40 feet. Giai đoạn 1 công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thời điểm Hoà Phát cho ra mẻ container đầu tiên cũng là lúc thị trường xuống đáy do dư cung. 

Công ty giao đơn hàng 100 container loại 20 feet đầu tiên vào tháng 8/2023 và sau đó là một vài đơn hàng giao cho Tổng Công ty Hằng Hải, Vinafco, New Way Lines, Vietsun, Topaz Marine, Vsico……Theo chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn, tiêu thụ container năm ngoái vẫn còn ít và “chưa đáng kể”.

H.Mĩ