‘Cởi trói’ cho các dự án bất động sản trong năm 2023
Số liệu của Bộ Xây dựng tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho biết, hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án đang vướng mắc. Nếu tháo gỡ được khó khăn sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường bất động sản, chưa kể còn có những dự án mới. Trong đó, chủ yếu các dự án đang nghẽn ở thủ tục pháp lý.
Chia sẻ tại một tọa đàm diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thị trường bất động sản đã có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, nhưng cũng đối diện rất nhiều thách thức, khó khăn.
"Có thể nói, thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn và khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Khó khăn tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp", ông nói.
Theo vị này, thị trường bất động sản hiện nay đang có sự lệch pha, nguồn cung liên tục sụt giảm từ năm 2018 đến nay. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm trên thị trường lại phát triển mất cân đối vì nhà ở mà đa số người dân đang rất cần là nhà có giá vừa túi tiền, mức giá khoảng từ 30 triệu/m2 trở xuống hoặc nhà ở xã hội nhưng cả hai loại này đang rất thiếu.
Chủ tịch HoREA cho rằng, vướng mắc, khó khăn hiện nay đối với cac doanh nghiệp là tình trạng thiếu tiền mặt, giảm thanh khoản, thậm chí có doanh nghiệp bị mất thanh khoản. Nguyên nhân là giao dịch trên thị trường bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng.
Không chỉ doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp động tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó khăn lớn.
“Tôi có niềm tin là với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối năm nay, các luật cơ bản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được thông qua và có tính đồng bộ hơn, thống nhất hơn, tháo gỡ khó khăn lớn nhất về pháp lý.
Trong thời gian 18 tháng chờ Luật mới, mong rằng ngay trong tháng 2, Chính phủ có thể ban hành sớm các nghị định xử lý tình huống. Với những khó khăn hiện nay của nền kinh tế thì vấn đề cùng nhau vượt qua là vấn đề quan trọng nhất. Rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, người dân,… cùng nhau tìm điểm cân bằng hài hoà lợi ích các bên có liên quan, cùng vượt qua khó khăn”, vị này nhấn mạnh.
Tổ công tác đã làm việc với nhiều doanh nghiệp
Về phía Bộ Xây dựng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cho biết, những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản rất nhiều. Vừa qua, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp và nắm bắt được cụ thể, nổi lên một số nhóm vấn đề.
Thứ nhất, trong những quy định của pháp luật còn có những bất cập, chồng chéo, gây cản trở cho việc triển khai các dự án bất động sản.
Thứ hai là trình tự thủ tục tổ chức triển khai thực hiện còn phức tạp, kéo dài, thậm chí là chậm triển khai thực hiện tại một số địa phương.
Thứ ba là liên quan đến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án. Nguồn vốn ở đây như thế nào? Không chỉ có nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu mà cả câu chuyện thanh khoản, nguồn vốn của huy động của khách hàng. Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ xây dựng làm tổ trưởng cùng các bộ, ngành đã hết sức tích cực làm việc với các địa phương, doanh nghiệp cũng như trao đổi chuyên gia, hiệp hội để nắm bắt những khó khăn.
“Tổ đã làm việc trực tiếp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, Tổ làm việc và trao đổi trực tiếp với đại diện của các hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính bất động sản”, ông Dũng nói.
Trên cơ sở đó, Tổ công tác thực hiện một số nhiệm vụ. Thứ nhất là phải có những giải pháp, biện pháp để tháo gỡ khó khăn ngay trong trước mắt.
Thứ hai là tổng hợp báo cáo giải quyết những khó khăn tổng thể và lâu dài. Trên tinh thần đó, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp và có những văn bản hướng dẫn ngay lập tức để triển khai, áp dụng thực hiện. Ở đây là cách hiểu, cách áp dụng pháp luật một cách đồng bộ để thuận lợi trong triển khai thực hiện tại các địa phương.
Thứ hai, Tổ công tác cũng đã tiếp cận những kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án; rà soát phân loại, tổng hợp và có văn bản gửi các địa phương, trong đó đôn đốc, yêu cầu địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương và có báo cáo cho Tổ công tác.
Cùng với đó là phải có những giải pháp hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật. Bởi hệ thống pháp luật cho triển khai các dự án bất động sản liên quan đến nhiều ngành phức tạp.
Theo ông Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và giao cho các bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hoạt động của thị trường, doanh nghiệp bất động sản.
Thực hiện những nhiệm vụ này, các bộ, ngành đã rất tích cực triển khai và hoàn thiện. Ví dụ, Bộ Xây dựng đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng,… Hay Bộ Tài chính đã hoàn thiện sửa đổi Nghị định 65 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
“Việc hoàn thiện các quy định pháp luật sẽ đảm bảo các quy định đồng bộ hơn. Đương nhiên, nội dung quy định của pháp luật triển khai thực hiện các dự án bất động sản còn có những vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành rà soát nghiên cứu sửa đổi thời gian tới như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và những luật khác. Với việc sửa đổi các luật này thì hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo đồng bộ, từ luật đến các quy định dưới luật như nghị định, thông tư để áp dụng triển khai thực hiện các dự án bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho các dự án tốt hơn”, ông Dũng nói.