Có thể kéo dài cam kết giảm sản lượng dầu thô sang năm 2018
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih. (Ảnh: Reuters) |
Thị trường dầu mỏ thế giới đang dần tái cân bằng trở lại sau nhiều năm rơi vào trạng thái dư cung, nhưng tồn kho dầu còn quá lớn nên Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể kéo dài cam kết giảm sản lượng dầu thô tới cuối năm 2017, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih phát biểu trong ngày 8/5.
“Tôi tin rằng, cam kết giảm sản lượng dầu thô sẽ kéo dài tới hết năm 2017, và có thể sang cả năm 2018,” ông Falih nói.
Trước đó vào cuối tháng 11/2016, OPEC cùng một số nước ngoài hiệp hội đã đồng thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong 6 tháng đầu năm 2016, để kích thích giá dầu phục hồi. Tuy nhiên, sau 4 tháng cắt giảm sản lượng, tồn kho dầu toàn cầu vẫn ở mức cao, kéo giá dầu thô về dưới 50 USD/thùng.
Tính đến 14h14 chiều nay (giờ Singapore), giá dầu WTI của Mỹ tăng 1% lên 46,66 USD/thùng trên sàn Nymex. Với mức tăng tương tự vào cùng thời điểm, giá dầu Brent trên sàn ICE London giao dịch ở 49,60 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều đã giảm hơn 50% so với đỉnh giá ghi nhận được vào năm 2014.
Tương quan giữa sản lượng dầu của OPEC và giá dầu thô Brent. (Ảnh: Bloomberg). |
Gần đây, giá dầu giảm chủ yếu do 3 yếu tố; đó là thị trường bước vào mùa tiêu thụ yếu và các nhà máy lọc dầu đóng cửa bảo trì và các nước không tham gia cam kết của OPEC tăng cường sản xuất dầu, ông Falih nhận định.
Kể từ giữa năm 2016, Mỹ đẩy mạnh hoạt động sản xuất dầu đá phiến, khiến sản lượng dầu thô của nước này tăng hơn 10% lên 9,3 triệu thùng dầu/ngày, gần bằng với tổng sản lượng của Nga và Saudi Arabia.
Tuy nhiên theo ông Falih, thị trường dầu mỏ hiện đã cải thiện hơn nhiều so với thời điểm tồi tệ nhất của năm ngoái, khi giá dầu thô lao dốc xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng. “Tôi tin rằng, thời kỳ tồi tệ nhất đã qua đi. Nhiều chỉ số thị trường đều cho thấy cân bằng cung – cầu đang ở trong trạng thái thâm hụt và thị trường đang dần trở về trạng thái cân bằng,” ông nói.
Xét đến nhu cầu tiêu thụ dầu, ông Falih dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2017 sẽ gần bằng năm ngoái.
Trong đó, châu Á, với sự phát triển nhanh chóng về dân số, sẽ là khu vực có nhu cầu tiêu thụ dầu lớn nhất trong vòng 25 năm tới theo tốc độ phát triển dân số, chiếm gần 2/3 nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu. Nhu cầu của Trung Quốc không thay đổi so với năm ngoái nhờ sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực vận tải.
Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào hoạt động khai thác và sản xuất dầu cũng đang giảm dần, và đây có thể là yếu tố khiến khoảng cách cung – cầu nới rộng trong 5 năm tới, ông Falih cho hay.
Trước đó vào ngày 6/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Zanganeh cũng tự tin cho rằng, OPEC sẽ kéo dài cam kết giảm sản lượng dầu thô để hỗ trợ giá. Ông Zanganeh cũng cho rằng, 55 USD/thùng là mức giá hợp lý của dầu thô.