Cơ sở nào để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mục tiêu lãi gần 9.000 tỷ đồng sau cổ phần hóa?
Năm 2017 vượt chỉ tiêu kinh doanh
Năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) ước tính hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, sản lượng cao su khai thác 273.000 tấn, vượt 9% kế hoạch năm. Sản lượng cao su thu mua đạt 93.000 tấn, tiêu thụ 344.000 tấn, vượt lần lượt 30% và 11% kế hoạch năm. Sản phẩm gỗ các loại đạt 1.150.000 m3; các khu công nghiệp cho thuê được 290 ha.
Ngày 2/2/2018, Công ty mẹ - Tập đoàn VRG sẽ tổ chức bán đấu giá lần đầu ra công chúng hơn 475 triệu cổ phần, chiếm 11,88% vốn điều lệ công ty. Dự kiến sau cổ phần hóa, VRG có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 75% vốn; 1,22% bán ưu đãi cho người lao động, tương ứng hơn 48,9 triệu cổ phần; còn lại gần 831.000 cổ phần, chiếm 0,02% vốn bán cho Công đoàn công ty. |
Tổng tài sản tập đoàn khoảng 73.000 tỷ đồng; doanh thu thuần hợp nhất 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 3.600 tỷ đồng, lần lượt bằng 103% và 118% mục tiêu kinh doanh.
Doanh thu hợp nhất của tập đoàn chia theo các mảng chính là cao su, gỗ, khu công nghiệp, công nghiệp cao su. Tuy nhiên, cao su chiếm 70% cơ cấu. Do vậy kết quả kinh doanh của VRG sẽ phụ thuộc phần lớn vào biến động của giá cao su tự nhiên.
Nguồn: NH tổng hợp BCTC |
Giai đoạn 2012-2016, doanh thu VRG có xu hướng giảm mạnh nhưng biên lợi nhuận gộp của tập đoàn vẫn duy trì tốt. Dù vậy, lợi nhuận hợp nhất vẫn tụt dốc theo giá cao su. Lợi nhuận của riêng công ty mẹ chủ yếu được ghi nhận từ các công ty thành viên.
Tốc độ tăng trưởng 15%/năm sau cổ phần hóa
Năm 2020, VRG ước đạt doanh thu trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.953 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15%/năm. Diện tích khu công nghiệp cho thuê khoảng 3.402 ha. Diện tích khu nông nghiệp công nghệ cao 9.660 ha dự kiến mang lại doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sản phẩm gỗ MDF đạt 900.000 m3. Gỗ MDF hiện nay tổng công suất sản xuất tại Việt Nam ở mức 1,25 triệu m3, riêng VRG công suất thiết kế là 735.000 m3. Gỗ phôi sấy và ván ghép cao su VRG chiếm khoảng 30% thị trường trong nước.
(Ảnh minh họa) |
Diện tích trồng cao su khoảng 400.000 ha (trong nước 285.000 tấn, nước ngoài 115.000 tấn). Sản phẩm công nghiệp cao su đạt 45.000 tấn, tiêu thụ 520.000 tấn, sản lượng sản xuất 414.000 tấn. Sau cổ phần hóa, VRG sở hữu 20 công ty nông nghiệp, 4 đơn vị sự nghiệp.
Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý 519.870 ha đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 95%; 28% là đất ở nước ngoài, chủ yếu là Campuchia. VRG trực tiếp quản lý 1/3 diện tích trồng cây cao su Việt Nam, còn lại là các doanh nghiệp và hộ dân nhỏ lẻ.
Do phần lớn đất đai Tập đoàn quản lý là đất trả tiền thuê hàng năm nên trong phần xác định giá trị Tập đoàn khi cổ phần hóa không tính phần giá trị quyền sử dụng đất của những diện tích này.
Đối với mảng chế biến gỗ, nhờ vào nguồn nguyên liệu đầu vào là cây cao su thanh lý, VRG có lợi thế trong việc kiếm soát giá thành. Đồng thời, VRG sẽ dành 70% để ưu tiên bán gỗ thanh lý cho các công ty trong nội bộ, theo thứ tự ưu tiên theo quyền chi phối sở hữu tại công ty con hoặc công ty liên kết của tập đoàn.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017 ngành cao su đã xuất khẩu được 1.380 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,25 tỷ USD, là một trong ba ngành nông nghiệp đóng góp lớn nhất và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung cấp cao su đứng thứ 4 cho Trung Quốc sau Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập 896.235 tấn cao su Việt Nam, trị giá 1,445 tỷ USD. |