|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơ sở nào cho mục tiêu có lãi của Vietjet?

10:16 | 30/06/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh phần lớn các hãng hàng không trên thế giới thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản, Vietjet đặt mục tiêu phấn đấu hòa vốn và có lãi hợp nhất. Hãng bay này tỏ ra tự tin vào các giải pháp tổng thể, trong đó, có các chính sách hỗ trợ ngành hàng không của Chính phủ.

Nền tảng 'không phải hãng nào cũng làm được'

Cuối tuần qua, các cổ đông hàng không Vietjet đã thông qua kế hoạch phát triển công ty trong năm 2020 với tỉ lệ ủng hộ tuyệt đối.

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông Vietjet, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) Võ Huy Cường chúc mừng thành công của cổ đông và Vietjet. Ông Cường đồng tình với nhận định về sự tăng trưởng nhanh, ổn định của Vietjet. "Ở hội nghị này tôi cảm thấy sự tự tin", lãnh đạo CAAV chia sẻ về cảm nhận về không khí tự tin vào tương lai của Vietjet - hãng hàng không chiếm thị phần nội địa lớn nhất nước.

Báo cáo của Ban Điều hành tại đại hội cho biết năm 2019 tiếp tục là năm hoạt động tăng trưởng cao và phát triển bền vững của Vietjet. Trong năm 2019, doanh thu vận tải hàng không của hãng sau kiểm toán đạt 41.252 tỉ đồng, tăng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.869 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2018. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt lần lượt là 50.603 tỉ đồng và 4.569 tỉ đồng.

Doanh thu phụ trợ đạt 11.340 tỉ, tăng 36% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu phụ trợ dịch chuyển từ 25,3% năm 2018 lên 30,4% trong tổng doanh thu vận chuyển, đưa Vietjet vào top các hãng hàng không có tỉ lệ doanh thu phụ trợ trên doanh thu cao nhất thế giới.

Cũng trong năm 2019, Vietjet mở rộng thêm 34 đường bay, nâng mạng đường bay lên 139, trong đó có 44 đường bay nội địa, 95 đường bay quốc tế, vận chuyển hơn 25 triệu lượt khách, đạt mốc vận chuyển 100 triệu hành khách, là nền tảng để Vietjet bật tăng trở lại sau dịch.

Thành công của Vietjet được nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao. Vietjet thuộc top 50 hãng hàng không tốt nhất về hoạt động và sức khỏe tài chính trong hai năm của AirFinance Journal, trong những cuộc khảo sát trên hàng trăm hãng bay do tạp chí này thực hiện; Doanh nghiệp tốt nhất ngành hàng không tại Đông Nam Á được ASIAN-BAC trao tặng; Hãng hàng không chi phí thấp của năm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do CAPA trao trặng; Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam của Forbes.

Những nền tảng vững vàng và thành công trong năm 2019 đã giúp Vietjet trở thành một hãng hàng không giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển của ngành hàng không và phục hồi kinh tế trong nước và quốc tế.

'Trong những năm qua, Vietjet đã phát triển nhanh, bền vững, thực hiện những bước chuẩn bị nguồn lực quan trọng mà không phải hãng hàng không nào cũng làm được'. Ông Cường nhận định và cho rằng: Đây là niềm tự hào cho đất nước khi có một hãng hàng không tự tin. Thời gian qua hãng đã đi lên bằng nội lực của mình, đóng góp chung cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Kết hợp nội lực và sự hỗ trợ chính sách

Tuy diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, các đường bay quốc tế chưa được mở nhưng những nhà chiến lược của Vietjet đã đưa ra gói giải pháp tổng thể để đạt mục tiêu có lãi. Gói giải pháp 'biến nguy thành cơ' của Vietjet gồm 2 phần: phần nội lực và phần hỗ trợ chính sách cho ngành hàng không của Chính phủ.

Về nội lực, Vietjet tập trung khai thác, phục vụ tốt hơn khách 'truyền thống' - 100 triệu khách. Đồng thời, mở rộng đáp ứng nhu cầu cao và đa dạng của khách Skyboss (người chủ bầu trời, khách thuộc hạng thương gia của Vietjet); Cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ tăng doanh thu phụ trợ; Khai thác lợi thế hệ sinh thái hàng không, du lịch, dịch vụ, thương mại… chuyển nhanh sang hãng hàng không tiêu dùng.

Vietjet cùng ngành hàng không Việt Nam đang sẵn sàng cho giai đoạn trở lại các đường bay quốc tế từ tháng 7 trở đi, với tâm thế kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn y tế cho hành khách và nhân viên của hãng, góp phần quan trọng trong phục hồi kinh tế và đầu tư.

Vietjet tập trung các giải pháp kiểm soát tốt chi phí, đa dạng hóa các phương án tài trợ vốn, mở rộng dịch vụ tự phục vụ mặt đất kỹ thuật. Hãng cũng sẽ chuyển đổi số hệ thống quản lý tài chính, vận hành, khai thác bằng việc ứng dụng các phần mềm quản lý tiên tiến; tổ chức khoa học mạng đường bay, đội tàu bay; Tiếp tục chủ trương mới hóa tàu bay, tăng tàu bay lên 90 chiếc nhằm vận chuyển hơn 20 triệu hành khách trong năm nay.

Ông Võ Huy Cường đánh giá cao đội tàu bay mới với tuổi trung bình 3,2 năm của Vietjet. Lãnh đạo CAAV cũng ấn tượng với Học viện Hàng không Vietjet với quy mô rộng lớn, hiện đại. Chính đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo, huấn luyện bài bản sẽ giúp Vietjet duy trì sự phát triển nhanh và ổn định.

Về phần hỗ trợ chính sách của Chính phủ, hiện tại, Chính phủ đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các hãng hàng không như giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm phí dịch vụ mặt đất, phí điều hành bay, hỗ trợ nguồn vốn chi phí thấp… Vietjet cho rằng những chính sách này như 'một miếng khi đói' đối với các hãng hàng không, hỗ trợ hãng hàng không khôi phục, bật dậy sau dịch.

Theo một lãnh đạo Vietjet, trong điều kiện kinh tế, ngân sách nước ta còn nhiều khó khăn như hiện nay, hãng xác định phải tự lực là chính và đó cũng là cách để hãng tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm, đóng góp với xã hội đất nước.

'Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng rất quan trọng vì Vietjet nói riêng và các hãng hàng không nói chung đều đang khó khăn, cần hỗ trợ của Chính phủ để bật dậy nhanh nhất, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, cho đất nước', vị lãnh đạo này nói.

Đồng tình với quan điểm không xin, chỉ nhờ hỗ trợ chính sách và sẽ hoàn trả xứng đáng cho Chính phủ của vị lãnh đạo Vietjet, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng suy nghĩ và cách làm của Vietjet rất đáng biểu dương.

Vì, khoản hỗ trợ chính sách mà hãng hàng không cần thực chất là khoản Chính phủ đầu tư và sẽ thu 'một vốn bốn lời' vì khi hoạt động bình thường, hãng hàng không sẽ nộp ngân sách nhiều hơn và quan trọng hơn, hàng không chính là động lực phát triển của nhiều ngành kinh tế, dịch vụ quan trọng của nước ta.     

Ông Thiên cũng đánh giá cao mục tiêu hòa vốn và có lãi hợp nhất của Vietjet. Quan sát cách làm cùng 'truyền thống' đạt và vượt kế hoạch của Vietjet, vị chuyên gia này cho rằng, đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng có tính khả thi cao, nhất là khi Vietjet đã đưa ra gói giải pháp nội và ngoại lực khá thuyết phục. 

'Trong bối cảnh khó khăn như thế này mà họ (Vietjet) trả cổ tức 50% bằng cổ phiếu thì cho thấy nền tảng vững vàng và cách làm đáng tin cậy của họ', ông Thiên nói.

Theo ông Trần Đình Thiên, cùng với sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, Vietjet cần chủ động đề xuất với Chính phủ về chính sách, giải pháp phát triển. Vì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, có vị thế tiên phong trong ngành hàng không như Vietjet cần có tiếng nói đề xuất giải pháp với Chính phủ. Vietjet có tri thức, tầm nhìn, có kinh nghiệm và đã thành công trong môi trường khốc liệt như hàng không, hẳn sẽ có những kiến giải phù hợp, hiệu quả. Đây là trách nhiệm quốc gia của Vietjet. Không chỉ VietJet cần sự hỗ trợ của Chính phủ lúc khó khăn mà ngược lai, Chính phủ cũng rất cần sự đồng hành, tham mưu, phối hợp hành động của VietJet và các doanh nghiệp khác.

Bích Thu