Cổ phiếu ứng dụng gọi xe lập đỉnh 52 tuần sau khi báo cáo tài chính gặp lỗi đánh máy, dư 1 số 0
Lỗi đánh máy hiếm gặp
Theo đưa tin từ Wall Street Journal (WSJ), cổ phiếu của ứng dụng gọi xe Lyft đã nhảy lên mức cao nhất trong hơn một năm vào ngày 14/2 nhờ kết quả kinh doanh tích cực và lỗi đánh máy bất ngờ trong báo cáo tài chính.
Báo cáo công bố hôm 13/2 của Lyft viết, một trong những thước đo biên lợi nhuận của công ty dự kiến sẽ tăng 500 điểm cơ bản (5 điểm %) trong năm 2024. Thực chất, biên lợi nhuận này dự kiến chỉ tăng 50 điểm cơ bản, CFO của Lyft giải thích.
Phần số liệu bị lỗi đánh máy là một thước đo khó hiểu nhưng được các nhà đầu tư theo dõi sát sao. Theo WSJ, đây là biên lợi nhuận tính theo tỷ lệ % so với số lượt đặt xe. Biên lợi nhuận này tăng cao thì Lyft sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ số lượt đặt xe.
“Đó là một sai sót nghiêm trọng và là lỗi của tôi”, CEO David Risher bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 14/2. Ông cho biết Lyft có quy trình để xử lý các báo cáo tài chính và số 0 dư thừa đã bị bỏ sót.
Vị CEO nói ông không muốn sai sót đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay của công ty. Bản báo cáo giúp cổ phiếu Lyft bật tăng 35% trong phiên 14/2, lên 16,39 USD/cp - mức đóng cửa cao nhất trong 52 tuần.
Lỗi đánh máy trong báo cáo tài chính là rất hiếm nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Các chuyên gia thị trường không thể nhớ lần cuối cùng một lỗi đánh máy gây ra phản ứng mạnh với giá cổ phiếu như vậy là khi nào.
Trên mạng xã hội X, một số người đã bày tỏ sự ngạc nhiên hoặc lấy câu chuyện của Lyft làm chuyện cười.
Đơn cử, một người dùng mạng nói Lyft “đã tiết kiệm được 7 triệu USD tiền quảng cáo trên Super Bowl và được tiếp thị miễn phí trong buổi công bố kết quả kinh doanh. Thật thông minh”.
Có thể sắp có lãi
Lyft đưa ra dự báo tích cực về số lượt đặt xe trong quý hiện tại và cho biết họ sẽ tạo ra dòng tiền dương trong năm 2024. Nói cách khác, Lyft có thể tạo ra nhiều tiền hơn số họ đốt trong cả năm. Các doanh nghiệp thường coi đây là chỉ báo cho thấy họ sắp có lãi.
Trong những quý gần đây, cổ phiếu của ứng dụng gọi xe này khá biến động. Theo FactSet, 4 trong số 5 báo cáo tài chính hàng quý gần nhất đã khiến cổ phiếu Lyft giảm mạnh đến hai chữ số.
Lyft là mục tiêu mà các nhà bán khống nhắm đến, nhiều hơn hẳn các công ty đối thủ trong ngành như Uber. Tỷ lệ bán khống của Lyft tương đương gần 12% lượng cổ phiếu đang lưu hành, cao hơn đáng kể mức gần 3% của Uber.
Cho đến nay, Lyft vẫn chưa báo lãi nhưng công ty đang dần cắt bớt các khoản lỗ. Đối thủ Uber đã có lãi năm đầu tiên với tư cách là công ty đại chúng vào năm 2023. Nhà đầu tư đang lạc quan về triển vọng mới nhất của Lyft vì Uber cũng có lãi sau khi báo cáo dòng tiền dương.
Trong thời gian qua, Lyft đã phải vật lộn để theo kịp đối thủ cạnh tranh lớn hơn là Uber. Tính đến hết phiên 13/2, cổ phiếu của ứng dụng gọi xe này đã mất khoảng 85% giá trị kể từ khi niêm yết vào năm 2019.
Những người đồng sáng lập công ty đã rút lui khỏi công việc quản lý vào năm ngoái sau khi thị phần của Lyft sụt giảm, cổ phiếu trượt dốc và tinh thần nhân viên suy sụp.
Dưới sự lãnh đạo của vị CEO mới, Lyft đã sa thải hàng trăm nhân sự, giới thiệu những tính năng mới cho tài xế xe hai bánh và ô tô, đồng thời yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng. Ông Risher cũng đang tìm cách từ bỏ những mảng kinh doanh không tạo ra lợi nhuận lớn, bao gồm mảng xe đạp.