|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm ngân hàng đồng loạt giảm, VN-Index mất gần 16 điểm

15:00 | 03/04/2024
Chia sẻ
Sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu trụ cột đã lan rộng hơn và điều này tiếp tục gia tăng áp lực lên thị trường. Cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính khiến VN-Index giảm gần 16 điểm hôm nay.

VN-Index giảm 15,57 điểm (1,21%) xuống 1.271,47 điểm, HNX-Index giảm 1,95 điểm (0,79%) còn 243,96 điểm, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (0,28%) về 91,15 điểm.

Áp lực bán gia tăng vào cuối ngày ở đa số các nhóm ngành khiến VN-Index đóng cửa ở mốc thấp nhất phiên tại 1.271,47 điểm, tương đương giảm gần 16 điểm so với phiên trước. Nhóm VN30 cũng diễn biến tiêu cực hơn với toàn bộ cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Trong đó, GVR giảm sâu nhất khi để mất 2,8%, cùng với MWG, CTG tụt 2,7%.

Tương tự, MBB, VIB, SSI, HDB giảm hơn 2%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi ngày dài nâng đỡ thị trường đã trở nên đuối sức và trở thành gánh nặng trong phiên hôm nay khi hầu hết các mã đều chuyển đỏ.

Thống kê cho thấy riêng cổ phiếu nhóm ngân hàng đã lấy đi hơn 7 điểm của VN-Index. Kết phiên chỉ còn PGB, SGB, VAB, BVB giữ được sắc xanh, cùng ABB, KLB và VBB đứng giá tham chiếu. CTG giảm mạnh nhất ngành với tỷ lệ 2,7%, MBB cũng giảm 2,4% về 24.200 đồng/cp. Cùng chiều, VIB, HDB, OCB, TPB, TCB, NAB, BID, ACB, SHB mất hơn 1% thị giá.

Nhóm bất động sản cũng có phiên điều chỉnh mạnh mẽ sau giai đoạn thu hút dòng tiền, điển hình như DIG giảm 5,4% còn 31.800 đồng/cp, QCG, DXG, HDC, KBC, VPH, HTN giảm 3 – 4,2%.

Độ rộng sàn HOSE lại nghiêng hoàn toàn về bên bán với gần 70% số mã trên sàn đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu. Thanh khoản cũng cải thiện hơn phiên sáng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 31.223 tỷ đồng, tương đương gần 1,3 tỷ cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp giảm nhẹ 1% còn 25.260 tỷ đồng.

Tiếp nối đà hồi phục của phiên trước, VN-Index mở cửa xanh nhẹ trên ngưỡng tham chiếu. Xu hướng phân hóa chi phối toàn thị trường phiên sáng nay khiến các chỉ số chính biến động lình xình trong biên độ hẹp.

Tuy nhiên, về cuối phiên sáng áp lực bán dần chiếm ưu thế, VN-Index theo đó giảm hơn 5 điểm, tương đương giảm 0,4% so với phiên trước còn 1.281,92 điểm. Lực cầu dường như vẫn chưa đủ sức để đưa chỉ số chính sàn HOSE chinh phục ngưỡng 1.300 điểm.

Diễn biến cùng chiều, HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,18%) còn 245,47 điểm, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,12%) về 91,29 điểm.

Sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu trụ cột đã lan rộng hơn và điều này tiếp tục gia tăng áp lực lên thị trường. VN30-Index dừng phiên sáng giảm 10 điểm.  Trong đó, các mã giảm mạnh nhất có thể kể đến như MWG (-2,9%), VJC (-1,7%), HDB (-1,%), TPB (-1,6%), GVR (-1,4%), VPB (-1,3%), BCM (-1,2%), CTG (-1,1%), …

Trong khi đó, BID, VRE, VHM là một số các cổ phiếu lớn còn duy trì được sắc xanh trong phiên sáng nay, đây cũng là nhóm góp công lớn vào việc kìm hãm lại đà giảm của thị trường.

Cổ phiếu vốn hóa lớn gây sức ép chính lên thị trường phiên sáng nay. (Nguồn: VNDirect).

Xét theo nhóm ngành, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều chịu sức ép điều chỉnh trong phiên sáng nay, nhất là ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, thép, dầu khí, chứng khoán.

Ngược dòng thị trường, cổ phiếu phân bón, hóa chất tiếp tục giao dịch khởi sắc với LAS và BFC gần chạm giá trần, DDV tăng 5% lên 16.900 đồng/cp. Cùng chiều DCM, SFG, DPM, DGC tăng 1,5 – 3,5%.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 670 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay, trong đó hoạt động rút ròng tập trung vào MWG (99 tỷ đồng), VHM (74 tỷ đồng), SSI (73 tỷ đồng), VNM (61 tỷ đồng), …

Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường phiên sáng nay đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương 619 triệu đơn vị cổ phiếu được mua – bán. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh giảm 17% về 12.522 tỷ đồng.

Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 2/4 khi lợi suất trái phiếu vọt tăng và thị trường đánh giá lại khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 6.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 2/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 397 điểm, tương đương 1% và kết thúc ở mức 39.170 điểm. Có lúc chỉ số này mất hơn 500 điểm nhưng sau đó đã phục hồi phần nào.

S&P 500 giảm 0,72% xuống 5.206 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,95%, chốt phiên với 16.240 điểm. Ngày 2/4 là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ 5/3 đối với hai chỉ số Dow Jones và S&P 500.

Thu Thảo