Cổ phiếu tăng dựng đứng, giá trị vốn hoá VinFast đạt hơn 88 tỷ USD
Theo thống kê thời gian thực của CompaniesMarketcap, ngày 22/8, giá trị vốn hoá của VinFast đạt 88,59 tỷ USD, vào top 5 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới. Có được điều này là do kết thúc phiên giao dịch 22/8, cổ phiếu mã VFS đang niêm yết trên Nasdaq của VinFast đã tăng 108,87% lên 36,72 USD/cp.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, mức giá này chưa phản ánh đúng thực tế bởi dù có hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành nhưng hiện tại VinFast chỉ tung ra khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong số đó cho nhà đầu tư có thể mua bán tự do trên sàn chứng khoán.
Ngay trong đầu phiên VFS xanh sàn, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast cũng đã lên sóng trực tiếp trong chương trình “First Move with Julia Chatterley” của đài CNN giải thích về mức giá trị vốn hoá này.
Cụ thể, trước câu hỏi của nhà báo Mỹ về việc: “Có một số bình luận cho rằng VinFast có định giá cao hơn Ford và Volkswagen. Trên thực tế chỉ có 1% cổ phần có thể được giao dịch trên thị trường. Vì vậy điều đó tạo ra sự biến động trong thời điểm này. Đó có phải là sự xao nhãng khỏi tham vọng táo bạo của công ty bây giờ không?”
Bà Thuỷ trả lời rằng: “Chúng tôi luôn có rất nhiều kế hoạch lớn phía trước. Chúng tôi đã niêm yết thành công và tin rằng thị trường chung đang phục hồi và sẽ giúp ích cho VinFast trong việc gọi vốn trong tương lai.
Hiện tại chúng tôi đang có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vương với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD, giúp chúng tôi có thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận.
Chúng tôi đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông”.
Thực tế, VinFast đã “gỡ bỏ được áp lực” huy động vốn khi lên sàn Nasdaq bởi tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup đã tài trợ và cho VinFast vay 2,5 tỷ USD. Thông cáo báo chí cho biết số tiền bổ sung sẽ tạo thêm nguồn lực thúc đẩy, tạo điều kiện cho VinFast phát triển, để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng trên quy mô toàn cầu.
Với số tiền này, bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết có thể giúp VinFast “hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận”. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra hồi tháng 5, ông Phạm Nhật Vượng cho biết VinFast đặt kế hoạch hoà vốn vào cuối năm 2024 và sẽ sớm có lãi để “mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”.
Do đó, gọi vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ không phải là điều quan tâm lúc này của VinFast, mà là câu chuyện hãng sẽ bán xe tại Mỹ như thế nào.
Tính tới thời điểm hiện tại, công ty đã có 26.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu và khoảng 10.000 đơn tại Mỹ, trong đó 2/3 đơn đặt trước là cho mẫu VinFast VF 9.
Về chiến lược bán hàng, VinFast cho biết sẽ triển khai mô hình kinh doanh mới - mô hình hybrid (hệ thống bán lẻ riêng của thương hiệu kết hợp với hợp tác với hệ thống nhà phân phối). Bà Thuỷ nói rằng mô hình này sẽ giúp VinFast mở rộng thị trường nhanh chóng hơn.
Hiện, VinFast đang có một nhà máy tại Hải Phòng với công suất 300.000 chiếc/năm và có thể mở rộng tới 950.000 chiếc/năm. Bên canh đó, nhà máy Bắc Carolina (Mỹ) sẽ bắt đầu đi vào vận hành với công suất 150.000 chiếc/năm và cũng có thể mở rộng quy mô sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Về việc gọi vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tương lai, bà Thuỷ cho biết VinFast sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.