Cổ phiếu tâm điểm ngày 17/7: MPC, VIP, C4G, GMD, HTN
MPC - Tăng giá
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tích lũy.
- Chỉ báo xu hướng MACD: đường MACD ở trên đường tín hiệu.
- Chỉ báo RSI: Tăng dần trên giá trị 50 và chưa đi vào vùng quá mua.
- Đường MA: Xuất hiện Golden Cross.
Phân tích:
MPC thời gian qua đã vận động đi ngang trong khu vực 25,5 - 27 sau khi có sự điều chỉnh ngắn hạn. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt khối lượng trung bình 20 phiên trong hôm nay và đẩy giá MPC tăng khá tích cực 3,73%.
Các chỉ báo kĩ thuật hiện đa số đang nghiêng về trạng thái tích cực. Các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross, đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần và còn cách khá xa vùng quá mua nên động lực tăng có thể được duy trì trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MPC nằm tại mốc 27,5.
VIP - Đạt mức cao nhất trong 4 tháng
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Mức Stock Rating của VIP đạt ở mức 79 điểm, trong đó sức mạnh giá vẫn dưới mức 80 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của VIP là trung tính. Đồ thị giá của VIP đạt mức cao nhất 4 tháng qua và xu hướng ngắn hạn của VIP được nâng lên mức tăng.
Điểm tích cực là thanh khoản của cổ phiếu này đã cải thiện kể từ tháng 4 cho thấy dòng tiền đang cải thiện tích cực.
Kết thúc quí I/2020, điểm cơ bản của VIP đã cải thiện trên mức 80 điểm, nhờ vào sự cải thiện biên lợi nhuận gộp do giá dầu giảm. VIP đặt kế hoạch doanh thu giảm nhẹ 5,3% và LNST tăng trưởng 50%, hiện tại VIP đã hoàn thành 8% kế hoạch LNST.
Dự kiến VIP chi trả cổ tức tiền mặt 2019 là 5% và tối thiểu 6% cho năm 2020. Theo đó, tỉ suất cổ tức dự kiến 10,3%.
C4G - Khả năng tiếp diễn xu hướng tăng ngắn hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Quy luật của xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được bảo toàn khi đường giá duy trì dao động trên đường SMA 10 tuần.
- Phiên tăng ngày 15/7 giúp đường giá bứt phá lên khỏi vùng đi ngang trong khoảng một tháng qua và mở ra khả năng tiếp diễn xu hướng tăng ngắn hạn.
- Mục tiêu gần cho kịch bản tích cực của xu hướng là vùng giá 10 – nơi đường giá hình thành đỉnh vào tháng 4/2019.
Phân tích:
Mặc dù biến động giằng co trong khoảng một tháng vừa qua, nhưng mức tăng trưởng mạnh về giá của C4G bắt đầu từ tháng 4/2020 vẫn đang được bảo toàn với sự hỗ trợ từ đường trung bình động SMA 10 tuần.
Sau giai đoạn cạn kiệt của thanh khoản vào đầu tháng 7, diễn biến giao dịch sôi động trở lại gần đây cho thấy sự kì vọng của dòng tiền vào chiều giá lên. Phiên tăng ngày 15/7 đã đưa đường giá bứt phá lên khỏi vùng giằng co trong hơn một tháng qua. Đây có thể là dấu hiệu cho sự áp đảo trở lại của lực cầu trong việc dẫn dắt xu hướng.
GMD - Thu hút sự chú ý từ dòng tiền chủ động trên thị trường
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Giũ bỏ thành công áp lực kháng cự từ ngưỡng kháng cự động EMA 20 tuần, GMD xác nhận kịch bản phục hồi trên kênh xu hướng dài hạn.
- Mô hình “nêm giá giảm” kích hoạt tín hiệu mua, xác nhận lực cầu chủ động đang chi phối biến động thị trường.
- Chỉ báo xu hướng MACD đồng thuận xác nhận tín hiệu báo mua ngắn hạn.
- Mục tiêu cho đà tăng ngắn hạn được xác định tại mốc giá 21,7, khoảng giới hạn tính theo thang đo Standard Pivot Points
Phân tích:
Mặc dù xét về biến động tương quan giữa đường giá cổ phiếu và VN-Index, GMD chưa phát đi dấu hiệu quá nổi bật, nhưng xét riêng về cổ phiếu thì có thể thấy biến dòng tiền theo phiên lại khá ổn định. Sau khi trải qua hai nhịp hiệu chỉnh giá tính từ đáy giá tháng 4/2020, đường OBV vẫn duy trì xu thế tăng ổn định phía trên đường tín hiệu chu kỳ 20 phiên gần nhất.
HTN - Khả năng bứt phá hình thành nhịp tăng mới
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Sau biến động tiêu cực của giai đoạn tháng 3/2020, HTN đã nhanh chóng hồi phục và quay lại phạm vi của kênh xu hướng đi ngang dài hạn.
- Trong ngắn hạn, đà tăng của HTN được duy trì dưới dạng mẫu hình Ascending Triangle. Dấu hiệu tạo đáy gần nhất là cơ sở kích hoạt vị thế Mua cho kỳ vọng bứt phá và hình thành nhịp tăng mới.
- Tín hiệu mua theo MACD và RSI cũng đã được kích hoạt. Cặp EMA 20 & 60 giữ vai trò hỗ trợ động cho xu hướng ngắn hạn.
- Trên cơ sở của mẫu hình tiếp diễn và ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% cho xu hướng ngắn hạn, vùng giá 23 sẽ là mục tiêu của HTN nếu tín hiệu bứt phá được xác nhận
Phân tích:
Sau nhịp tăng tích cực của tháng 5/2020 thì HTN đang vận động giằng co trong khoảng rộng 17,5– 19,5. Đáng chú ý là quá trình giằng co này hàm ý về sự tiếp diễn khi duy trì dao động dạng Ascending Triangle và xen lẫn với thanh khoản tích cực tại các phiên bùng nổ.
Chốt phiên 15/7, HTN đã có phiên tăng mạnh và quay lại vùng kháng cự của mẫu hình giá. Đây là lần đầu tiên trong vòng hai tháng cổ phiếu này cho dấu hiệu tạo đáy trên vùng giá cao. Thanh khoản tích cực theo chiều mua cùng tín hiệu tạo đáy này đang giúp để ngỏ khả năng mô hình sớm hoàn thiện.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.