Cổ phiếu tâm điểm 5/10: MBB, GIL, FIR, GKM
MBB - Hạn mức tăng trưởng tín dụng cao
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Phân tích:
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt 17% so với cùng kỳ trên tổng hạn mức được cấp 18,2%, trong đó 50% hạn mức mới (3,2%) được phân bổ cho phân khúc khách hàng cá nhân phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh và mua nhà. NIM tiếp tục cải thiện trong tháng 7 và tháng 8 nhờ MBB kiểm soát chi phí huy động và tập trung cho vay các khách hàng và ngành nghề có khả năng trả lãi suất cao.
Trong hai tháng đầu quý III, chi phí huy động ổn định trong khi lợi suất cho vay toàn hàng tăng 10 điểm cơ bản so với quý II. Việc tăng phát hành trái phiếu trung hạn và dài hạn từ đầu tháng 4 đã và sẽ giúp MBB giảm áp lực huy động từ khách hàng trong giai đoạn lãi suất tăng từ đầu năm đến nay và có xu hướng tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm.
Đợt nới trần lãi suất tiền gửi trong tháng 9 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã làm giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ 45% cuối quý II về 43% cuối tháng 8. Với dự báo lãi suất huy động trong các tháng cuối năm sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, ban lãnh đạo nhận định sự suy giảm tỷ lệ CASA sẽ rõ ràng hơn trong các tháng tiếp theo khiến NIM trong 6 tháng đến 1 năm tới có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang, do kỳ tái định lãi suất trung bình 3 đến 6 tháng tùy khoản vay.
Về dài hạn, NIM sẽ tiếp tục tăng nhờ tỷ lệ cho vay/huy động còn thấp, tỷ trọng cho vay bán lẻ tăng và cho vay mua nhà tăng. MBB đặt mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ từ 34% hiện nay lên 50-55% trong các năm tới.
GIL - Hưởng lợi từ tỷ giá USD tăng
CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)
Phân tích:
Với lượng tiền dự trữ lớn, GIL cũng đang mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khu công nghiệp (KCN) với các dự án: KCN Phú Bài 4 (460 ha) và KCN Bình Tân – Vĩnh Long (400 ha). Trong đó dự án KCN Phú Bài có quỹ đất sẵn sàng thuê khoảng 200 ha. Dự kiến mảng KCN sẽ bắt đầu đóng góp vào doanh thu của GIL giai đoạn từ quý IV/2022.
GIL là cổ phiếu được hưởng lợi từ tỷ giá USD tăng. Việc USD tăng giá so với VND ngoài hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu còn giúp cho GIL ghi nhận khoản lợi nhuận từ tỷ giá. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2022, GIL đã ghi nhận lợi nhuận 17 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá, trong khi đó khoản lãi vay phải trả cho 1.182 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn bằng USD chỉ là 8,3 tỷ đồng, thu nhập từ USD lên giá đã giúp GIL dư trả lãi vay ngắn hạn.
FIR, GKM - Tín hiệu nắm giữ
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Chỉ số YS30 đóng cửa giảm 5,8% với khối lượng giao dịch giảm mạnh dưới mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho thấy đồ thị giá có thể sẽ kiểm định mức đáy tháng 7/2022, tức là mức 99,84 điểm, nhưng đồ thị giá giảm vào vùng quá bán cho thấy đồ thị giá có thể sớm xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật ở những phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức giảm. Phần lớn các cổ phiếu đều giảm mạnh, trong đó hệ thống chỉ báo xu hướng của Chứng khoán Yuanta Việt Nam vẫn duy trì nắm giữ hai cổ phiếu FIR và GKM.
Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng của nhóm phân tích vẫn khuyến nghị quan sát các cổ phiếu còn lại cho thấy nhóm cổ phiếu YS30 vẫn chưa có cơ hội rõ ràng trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.