Góc nhìn chuyên gia: Tâm lý thị trường và thanh khoản chưa thể phục hồi ngay trong ngắn hạn
Theo Tổng Cục thống kê, GDP quý III năm 2022 ước tính tăng cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng năm nay CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm. Để đạt được kết quả trên, Chính phủ, các Bộ, Ngành tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa và tiền tệ cũng như các chính sách khác.
Tuy nhiên, từ nay cho đến cuối năm, còn nhiều diễn biến khó lường từ bên ngoài như giá dầu có thể tăng trở lại, thời tiết khắc nghiệt, lạm phát và các chính sách thắt chặt tiền tệ ở các quốc gia có thể gây áp lực trong nước. Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài Chính chuẩn bị sẵn các kịch bản khác nhau để đối đầu với những vấn đề này.
Trước sự nhất quán về việc thực thi các giải pháp như vậy, giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán cũng phát triển tích cực và bền vững.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán luôn nhạy cảm và đi trước các sự kiện kinh tế. Vậy câu hỏi đặt ra là bước sang giai đoạn lãi suất tăng như vậy thị trường sẽ phản ứng thế nào?
Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show), ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho rằng nếu nhìn ngắn hạn, trong vòng 3 – 6 tháng tới, tâm lý thị trường và thanh khoản sẽ chưa phục hồi ngay.
Kịch bản tốt nhất sau đợt điều chỉnh này có thể thị giá hoặc chỉ số sẽ đi ngang, chưa tạo thành xu hướng mạnh. Hoạt động của doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng, chỉ số EPS vẫn tiếp tục tăng lên đến thời điểm định giá rơi xuống mức được cho là rẻ.
Hiện định giá được cho hấp dẫn nhưng nếu xu hướng tiếp tục trong 6 tháng tới, định giá của thị trường sẽ rơi xuống dưới 10 lần, lợi suất sinh lời hơn 10%, cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Theo chuyên gia, nếu nhìn dưới góc độ dài hạn, nền kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức vượt qua giai đoạn này, cho nên đây là thời điểm đầu tư hợp lý.
Về vấn đề thị trường thiếu vắng dòng vốn ngoại trong thời gian dài, ông Thành đánh giá những cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp đang niêm yết cao, rào cản cản trở khối ngoại là chứng khoán Việt Nam nhóm thị trường cận biên nên chưa được quyền đầu tư mạnh.
Vị chuyên gia kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào khoảng tháng 9 năm sau, khi đó dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có khả năng quay trở lại.
Còn theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), hiện tại các quốc gia ở xung quanh Việt Nam hay các quốc gia ở châu Âu, Mỹ đều tăng lãi suất, không tăng một lần mà tăng 3 – 4 lần từ đầu năm đến nay.
"Chúng ta cũng cần phải nâng lãi suất lên vì thị trường tài chính có tính liên thông cao. Nếu chúng ta duy trì một chính sách đi ngược lại với chính sách tiền tệ Trung ương của các quốc gia khác, sẽ đưa đến những ảnh hưởng nhất định.
Việc tăng lãi suất là không thể tránh khỏi và ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn, buộc phải đưa ra một chính sách phù hợp chung với cả thế giới hiện nay. Các chính sách hiện tại của các quốc gia đa số theo hướng thắt chặt. Việt Nam khó để nằm ngoài xu hướng chung này", ông Long cho hay.
Thời điểm hiện tại, chứng khoán toàn cầu đang có xu hướng đi xuống. Nội tại tích cực khi dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam không quá phức tạp để thực hiện cắt giảm lãi suất hay thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng.
Những dư địa tăng trưởng hay một phần liên quan đến đầu tư công dự trữ trong 1 – 2 năm tới khi kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái hay tăng trưởng, Việt Nam vẫn còn "room" đặt chính sách để thúc đẩy tăng trưởng đi lên. Góc độ doanh nghiệp, ông Long cho rằng sẽ phải thích nghi với một môi trường mới khi lãi suất gia tăng.