Cổ phiếu tâm điểm 18/11: VIB, TNG, HDG
TNG - Xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) đóng cửa phiên 16/11 tăng 4,2% và khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục cho thấy cầu giá thấp cải thiện đáng kể. Đồng thời, đồ thị giá xuất hiện mô hình nến Bullish Engulfing cho thấy đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong phiên kế tiếp.
Ngoài ra, đồ thị giá chỉ đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn và nếu đồ thị giá duy trì đà hồi phục trong 2 - 3 phiên giao dịch tới thì đồ thị giá có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn sẽ giảm dần. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức giảm với mức kháng cự ngắn hạn là 79,78 điểm.
TNG là cổ phiếu dẫn đầu đà tăng nhóm cổ phiếu YS30 với mức tăng 9,4% và khối lượng giao dịch cao nhất trong 3 thang trở lại đây. Tuy nhiên, mức Stock Rating của TNG ở mức 52 điểm và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm cho nên công ty chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư chưa nên mua vào thời điểm này.
HDG - Dự báo KQKD của mảng điện năm 2023 sẽ chững lại
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Phân tích:
Chứng khoán KB Việt Nam dự phóng sản lượng điện và doanh thu của mảng điện năm 2022 của Tập đoàn Hà Đô sẽ đạt 1.460 triệu kWh (tăng 66% so với cùng kỳ) và 2.010 tỷ đồng (tăng 58%) nhờ vào mức nền so sánh thấp của năm 2021 cũng như tình hình thuỷ văn hỗ trợ thuận lợi cho việc vận hành của nhà máy thuỷ điện.
Dự báo kết quả kinh doanh của mảng điện năm 2023 sẽ chững lại do không còn mức nền thấp cũng như các nhà máy thuỷ điện không còn được hưởng lợi từ La Nina. Sản lượng và doanh thu năm 2023 dự phóng đạt lần lượt 1.296 triệu kWh (giảm 11% so với cùng kỳ) và 1.857 tỷ đồng (giảm 8%).
Dự án Hado Charm Villas là dự án chính đóng góp vào kết quả kinh doanh của mảng bất động sản trong năm 2022 - 2024 khi các dự án gối đầu khác tại TP HCM là Hago Greenlane và Hado Minh Long chưa được triển khai do các vướng mắc về pháp lý.
VIB - NIM vẫn tăng nhẹ dù lãi suất huy động tăng mạnh
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Phân tích:
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại so với cùng kỳ đó do bị hạn chế bởi room tín dụng hiện tại nhưng NIM hợp nhất của VIB vẫn gia tăng nhẹ so với cùng kỳ và cả năm 2021. Chi phí vốn tăng lên mức 3,9% trong 9 tháng nhưng nhờ lãi suất cho vay có sự tăng trưởng mạnh hơn giúp NIM được cải thiện.
Trong năm 2022, MBS vẫn kỳ vọng NIM của VIB sẽ đạt khoảng 4,8% và có xu hướng giảm dần trong năm 2023 khi các mức lãi suất huy động cao bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. NIM trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm về mức 4.7%. Thu nhập ngoài lãi được đẩy mạnh trong bối cảnh room tín dụng thấp.
Nhóm phân tích của Chứng khoán MB cho rằng, trong bối cảnh room tín dụng không còn quá “nới lỏng” thì các hoạt động ngoài lãi sẽ là mũi nhọn giúp VIB tiếp tục duy trì tỷ lệ ROE ấn tượng của mình. Bên cạnh các hoạt động kể trên, xử lý nợ cũng là một trong những hoạt động cần đẩy mạnh vừa đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng từ các khoản lãi dự thu vừa có thể giúp ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản.
Ngoài việc nâng cao ROE, việc tập trung vào các hoạt động như xử lý nợ hay chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng cải thiện chỉ số CIR, chỉ số hiện đang khá cạnh tranh trong toàn ngành.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.