|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu SJF dứt chuỗi 6 phiên tăng trần, sếp cũ Đầu tư Sao Thái Dương công bố bán 2,67 triệu cp, không còn là cổ đông lớn

12:05 | 11/07/2019
Chia sẻ
Sau giao dịch, ông Đạt giảm số lượng cổ phiếu sở hữu xuống còn 2,67 triệu đơn vị và không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Sao Thái Dương.

Ông Nguyễn Tất Đạt – cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) vừa bán 1,45 triệu cổ phiếu SJF vào ngày 9/7 vừa qua. Sau giao dịch, ông Đạt giảm số lượng cổ phiếu sở hữu xuống còn 2,67 triệu đơn vị,  tương ứng tỉ lệ sở hữu còn 3,37% và không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Sao Thái Dương.

Trong phiên giao dịch ngày 9/7, cổ phiếu SJF giao dịch lình xình quanh 4.000 đồng/cp với khối lượng 5,36 triệu đơn vị. Đáng chú ý, đây là phiên tăng giá cuối cùng của cổ phiếu SJF trong chuỗi 6 phiên tăng trần và cổ phiếu này giảm sàn ngay phiên sau đó. Uớc tính ông Đạt thu về 5,8 tỉ đồng sau lần thoái vốn tại Đầu tư Sao Thái Dương.

Ông Nguyễn Tất Đạt từng giữ vị trí Tổng Giám đốc của Đầu tư Sao Thái Dương từ tháng 4/2016, tuy nhiên mới được miễn nhiệm vào ngày 2/7 vừa qua. Thay vào đó, ông Nguyễn Trí Thiện – Chủ tịch HĐQT công ty sẽ đảm nhiệm vị trí này.

sjf

Diễn biến giá cổ phiếu SJF một năm gần đây. Nguồn: VNDirect

Trên thị trường, cổ phiếu SJF liên lục giảm mạnh từ mức quanh 28.000 đồng/cp hồi tháng 7/2018 xuống chỉ còn khoảng 4.000 đồng/cp ở thời điểm hiện tại, nhiều cổ đông nghi ngờ rằng có hiện tượng làm giá cổ phiếu SJF trên thị trường.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, giải trình về việc cổ phiếu SJF giảm mạnh, lãnh đạo công ty  cho rằng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do sự sụt giảm chung của thị trường do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào thời điểm đầu năm.

Thứ hai là do hoạt động kinh doanh của công ty không được tốt như kỳ vọng. Trong đó, hoạt động sản xuất tre ép chưa mở rộng như dự kiến. Kinh doanh nông sản và phân bón không tốt như kế hoạch, do ảnh hưởng dịch bệnh đến nhu cầu tiêu thụ phân bón và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi.

Thứ ba, theo thông tin lãnh đạo Đầu tư Sao Thái Dương biết được, một số cổ đông không điều hành, tham gia đầu tư vào công ty từ lâu, đã cầm cố cổ phiếu để vay tiền đầu tư cho hoạt động riêng. Đến hạn trả tiền vay, nhóm cổ đông này không thanh toán được nên bị giải chấp cho khản vay chứ không phải giải chấp do bị call margin (gọi kí quỹ).

Lãnh đạo Đầu tư Sao Thái Dương cũng khẳng định: "Việc thao túng giá với cổ đông nội bộ ở đây là hoàn toàn không có, biến động giá trên thị trường hoàn toàn thuận theo cung cầu mua bán trên thị trường chứng khoán".

Sơn Tùng