Cổ phiếu SBT đi ngược thị trường, điều gì đang diễn ra tại Thành Thành Công - Biên Hòa?
Thành Thành Công – Biên Hòa đặt kế hoạch lãi trước thuế 680 tỉ đồng niên độ mới |
VN-Index lùi về mốc 900, cổ đông lớn vẫn gom mạnh SBT
Hai tháng gần đây, VN-Index đã trải qua khá nhiều phiên giảm mạnh trước những lo ngại từ kinh tế toàn cầu đến thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á. Quy mô giao dịch cũng ngày một thu hẹp khi nhà đầu tư trở nên thận trọng trước diễn biến thị trường và liên tục tạo những đợt “bán tháo”. Tính từ đầu tháng 11 tới nay, khối lượng giao dịch trên VN-Index đạt gần 1,4 tỉ đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 30.000 tỉ đồng.
Trước đó, nếu không kể đến giao dịch thỏa thuận khủng mua cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan hay SBT của CTCP Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa thì khối lượng giao dịch trong ngày rất thấp.
Thực tế, cổ phiếu SBT không chịu tác động quá lớn khi thị trường giảm sâu. Thậm chí, nhiều phiên vẫn tăng mạnh và trở thành một trong những trụ đỡ chính của VN-Index.
Nguồn: Anh Túc tổng hợp (Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Đáng chú ý, những giao dịch lớn của SBT chủ yếu do lãnh đạo và cổ đông lớn mua vào. Tính từ tháng 7, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và các thành viên khác lần lượt đăng kí mua 1 triệu cổ phiếu với tỉ lệ sở hữu dưới 1%.
Ở diễn biến ngược lại, CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre đăng kí bán 12 triệu cổ phiếu, Công đoàn cơ sở cũng thoái hết vốn tại công ty. Sau đó, bà Đặng Huỳnh Ức My cũng hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu SBT, nâng tỉ lệ sở hữu lên 10,6% vốn cổ phần. Trước đó, cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Thành Thành Công đã kịp gom 16 triệu cổ phiếu từ 22/8 - 12/9 và mới đây muốn mua thêm 45 triệu cp nhằm tăng tỉ lệ sở hữu SBT.
VN-Index đã giảm gần 6% trong ba tháng qua, lùi gần về mốc 900 điểm nhưng SBT vẫn tăng 31% giá trị. (Nguồn: VNDirect) |
Hiện tại, Thành Thành Công - Biên Hòa có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư Thành Thành Công, CTCP Global Mind Việt Nam, bà Đặng Huỳnh Ức My và CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre. Bà Đặng Huỳnh Ức My là Thành viên HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công.
Nguồn: AT tổng hợp |
Thị phần và doanh thu dẫn đầu ngành mía đường
Theo báo cáo từ CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), sau khi sáp nhập với CTCP Đường Biên Hòa (Mã: BHS), công ty sở hữu 9 nhà máy đường, sản xuất khoảng 620.000 tấn đường/năm (chiếm 30% năng lực sản xuất cả nước). Hiện nay, Thành Thành Công Biên Hòa nắm giữ 56% thị phần đường nội địa.
Niên độ 2017 - 2018, SBT ghi nhận 137 tỉ đồng lợi nhuận khác (chiếm 22% lợi nhuận trước thuế) và 712 tỉ đồng doanh thu tài chính từ thoái vốn các khoản đầu tư cùng bất động sản. Niên độ 2018 - 2019, SBT dự kiến sẽ ghi nhận 350 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn và bán bất động sản. Cũng theo doanh nghiệp, các hoạt động tài chính được kỳ vọng thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2022, đem lại lợi nhuận khoảng từ 350 – 500 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, FPTS cho rằng, tỉ suất sinh lời ROE (Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu) của SBT giảm từ 11% còn 9% trong năm 2017 - 2018, và thấp hơn mức ROE trung bình ngành (12%). Từ tháng 6/2015 đến 6/2018, SBT đã tăng vốn chủ sở hữu từ 1.921 tỉ đồng lên 6.287 tỉ đồng, tương ứng với 48%/năm.
SBT cũng trải qua hai lần tăng vốn điều lệ vào năm 2015 và năm 2017 với hai đợt phát hành chuyển đổi cổ phiếu, bao gồm CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (Mã: SEC) (phát hành 37,1 triệu cp) và Đường Biên Hòa (phát hành 303,8 triệu cp).
Công ty cũng có tỷ trọng nợ vay/tổng nguồn vốn ở mức cao, khoảng 58% so với các doanh nghiệp khác trong ngành (trung bình 30 – 40%). Trong năm tài chính 2017/18, nợ ngắn hạn của SBT ở mức 7.720 tỷ đồng (74% tổng nợ), nợ dài hạn ở mức 2.663 tỷ đồng và tăng so với năm trước do sáp nhập.
SBT sử dụng nợ vay từ năm 2015 cho các dự án đầu tư, nâng công suất, mở rộng vùng nguyên liệu. Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khiến chi phí lãi vay của SBT tăng cao (54% lợi nhuận gộp), ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Khả năng trả nợ vay và lãi vay giảm nhẹ trong năm 2017/18.
Theo FPTS, doanh nghiệp có thể ghi nhận chi phí tài chính khoảng 698 tỷ đồng trong niên độ 2018 - 2019, với chi phí lãi vay ở mức 607 tỷ đồng.
Nguồn: Anh Túc tổng hợp (Đơn vị: Tỷ đồng) |
9 tháng đầu năm, Thành Thành Công - Biên Hòa ghi nhận doanh thu thuần cao nhất ngành mía đường. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng vẫn đứng sau CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS). Ngoài ra, công ty còn ghi nhận hơn 2.550 tỉ đồng giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 30/9, cao gấp gần 3,4 lần Đường Quảng Ngãi.
Ngày 15/11, HĐQT dự kiến trình cổ đông thông qua phương án kinh doanh niên độ 2018-2019 với doanh thu hợp nhất 11.545 tỉ đồng, tăng 12,2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 680 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm trước. Tại đại hội lần này, cổ đông Thành Thành Công – Biên Hòa sẽ xem xét, thông qua phương án chia cổ tức niên độ 2018-2019 với tỉ lệ dự kiến 6%-10% mệnh giá.