Cổ phiếu quỹ - công thức 'tiền đẻ ra tiền' của các đại gia khởi nghiệp Đông Âu, ông chủ công ty chứng khoán, thép
"Ông lớn" bán cổ phiếu quỹ - thu lợi lớn, bổ sung dòng tiền dồi dào cho kinh doanh
Theo quan sát của người viết, hoạt động bán ra cổ phiếu quỹ diễn ra mạnh mẽ trong quý II và III năm nay. Trước đó, cũng có những doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ được nắm giữ nhiều năm như Petrolimex (Mã: PLX), Sacombank (Mã: STB).
Với nhiều đơn vị khác, đây là lượng cổ phiếu được mua vào trong ít năm để hỗ trợ giá, đặc biệt là thời điểm thị trường không mấy thuận lợi như cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Trở lại gần hai năm về trước, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước "ôm" hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, nhiều doanh nghiệp lại chi ra hàng tỷ USD tiền từ lợi nhuận kinh doanh để mua vào cổ phiếu của chính mình.
Xu hướng rõ nét nhất khi đó là nhóm doanh nghiệp của các đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu như Vinhomes, Vincom Retail, Vietjet, VPBank, HDBank. Các giao dịch được thực hiện khối lượng lớn tới vài chục triệu đơn vị và mức giá hời nếu so với thị giá hiện thời.
Đơn cử, VPBank mua vào 50 triệu cổ phiếu quĩ trong tháng 10/2019 với giá bình quân 22.194 đồng/cp. Vinhomes mua vào 60 triệu cổ phiếu với mức giá bình quân 92.425 đồng/cp. HDBank và Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chi ra hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Sang đến năm 2021, khi thị trường thuận lợi, VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm và liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới trong năm 2021. Tới đây, thu từ bán cổ phiếu quỹ trở thành dòng tiền lớn bổ sung cho hoạt động của doanh nghiệp khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng, đồng thời đem về lợi nhuận cho các cổ đông.
Đầu quý II, Vietjet đã bán gần 17,8 triệu cổ phiếu quỹ và thu về 2.350 tỷ đồng. Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, thị trường quan tâm đặc biệt thương vụ bán 60 triệu cổ phiếu quỹ của Vinhomes, tương đương 1,79% vốn điều lệ từ ngày 26/7 đến ngày 11/8.
Với giá bán bình quân là 108.637 đồng/cp, "ông lớn" trong ngành bất động sản - Vinhomes đã thu về khoảng 6.518 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận thu về sau gần 2 năm nắm giữ khoảng 973 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận gần 10%/năm.
Trong nhóm doanh nghiệp bất động sản, CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (Mã: KDH) cũng bán toàn bộ hơn 19,8 triệu cổ phiếu từ ngày 14/9 đến ngày 28/9. Với giá bán trung bình là 40.866 đồng/cp, ước tính công ty đã thu về khoảng 811 tỷ đồng.
Được biết, số cổ phiếu trên được Khang Điền mua lại vào tháng 4 - 5/2020. Trên sổ sách, giá trị cổ phiếu quỹ của Khang Điền này là 419,1 tỷ đồng, tương đương khoản lợi nhuận gần 400 tỷ đồng. Bằng phép so sánh, khoản lãi này lớn hơn 1/3 lãi ròng cả năm 2020 của Khang Điền.
Không riêng doanh nghiệp bất động sản, các nhà băng cũng đang tận dụng thời cơ để hiện thực hóa lợi nhuận từ cổ phiếu quỹ. Cuối tháng 7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) thông báo bán xong toàn bộ 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ) và thu về hơn 2.438 tỷ đồng.
Theo Sacombank, mục đích giao dịch là nhằm thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank, đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng. Số cổ phiếu quỹ này Sacombank mua vào từ gần chục năm trước. Giá trị ghi nhận trên BCTC hợp nhất quý II/2021 là 754 tỷ đồng, tương ứng khoản thặng dư vốn khoảng 1.684 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lãi đậm từ cổ phiếu quỹ
Không chỉ các "ông lớn", cổ phiếu quỹ đang là khoản đầu tư đem lại lợi nhuận tốt cho nhiều doanh nghiệp. Tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi, một số doanh nghiệp bán chốt lời cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Đơn cử, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) lên phương án bán toàn bộ 5,9 triệu cổ phiếu quỹ nhằm mục đích tăng số cổ phiếu đang lưu hành và cơ cấu lại nguồn vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/10 đến ngày 25/11.
Trên báo cáo, số cổ phiếu quỹ này có giá trị hơn 100 tỷ đồng, tương ứng giá trị bình quân 16.949 đồng/cp. Trên thị trường, giá cổ phiếu VND đã tăng gần 5 lần kể từ vùng 11.800 đồng/cp hồi đầu năm, hiện đang giao dịch quanh mức 50.300 đồng/cp.
Trước đó, VNDirect bán 6 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 22/2 đến ngày 17/3 năm nay. Giá bán bình quân 28.793 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị thu về hơn 172 tỷ đồng.
Giống như VNDirect, Thép Tiến Lên (Mã: TLH) cũng dự kiến chốt lãi khoản đầu tư với mức lợi nhuận ba con số từ cổ phiếu quỹ. Theo thông báo, đơn vị này bán toàn bộ 1,46 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 13/10 - 27/10 nhằm bổ sung vốn lưu động. Số cổ phiếu quỹ này được công ty mua vào từ tháng 6 - 7/2015 với giá khoảng 6.164 đồng/cp.
Trên thị trường, giá cổ phiếu TLH giao dịch quanh mức giá 22.000 đồng/cp, gấp gần 3 lần thời điểm đầu năm. Ước tính tại mức giá trên, Thép Tiến Lên sẽ thu về hơn 32 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần so với giá trị thời điểm mua vào.
Cũng trong đợt nfy, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) có kế hoạch bán toàn bộ hơn 3,08 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, tương ứng 0,7% vốn điều lệ từ ngày 15/11 đến 14/12/2021 nhằm mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động.
Tính đến cuối tháng 6, Vinaconex sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị ghi nhận hơn 1.643 tỷ đồng, tức bình quân 41.823 đồng/cp. Đây là số cổ phiếu được Vinaconex mua làm cổ phiếu quỹ trong tổng 44,17 triệu đơn vị đăng ký mua vào tháng 11 - 12/2020. Trước đó vào ngày 30/8, Vinaconex đã phân phối 36,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phân phối là 9%.
Góc nhìn SGI Capital: Bài học mua cổ phiếu quỹ từ Apple và những doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Dù vẫn đang là công ty có lợi nhuận ròng lớn nhất thế giới năm 2020 với 57 tỷ USD, nhưng lợi nhuận của "Trái Táo cắn dở" vốn đã đạt 53 tỷ từ 2015. Doanh thu và lợi nhuận của Apple không còn tăng khi số Iphone bán ra tăng chậm lại 6 năm qua.
TTCK có một quy luật khắc nghiệt: Các doanh nghiệp khi tới chu kỳ bão hòa, tăng trưởng doanh thu lợi nhuận chậm lại sẽ bị trừng phạt bằng định giá P/E tụt nhanh từ cao về rất thấp. Vinamilk, Bảo Việt... là đại diện những bluechips P/E cao ngất một thời trên HOSE. Nhưng khi tăng trưởng chậm lại, giá cổ phiếu BVH đi ngang 10 năm nay, còn VNM vẫn quanh vùng giá của 2016 với P/E giảm nhanh từ 30,x (lần) về 17,x (lần).
Nhưng Apple đã phá vỡ quy luật ấy!
Cổ phiếu AAPL vẫn tăng giá đều bất chấp đà tăng doanh thu lợi nhuận chậm hẳn lại 5 năm liền 2015-2020. P/E của AAPL thậm chí được rerate (định giá lại - PV) từ 10.x 2015-2016 lên 20,x (lần) 2018 và 30,x (lần) vào 2020. Đưa APPL từ một cổ phiếu được coi là sắp hết chu kỳ tăng trưởng với vốn hóa 500 tỷ USD vào 2015, lên vượt 2.000 tỷ USD cuối 2020.
Một trong những lý do cốt yếu là APPL đã liên tục mua vào cổ phiếu quỹ 7 năm qua khiến lượng cổ phiếu lưu hành giảm hơn 30%. Nhờ đó, EPS vẫn luôn tăng và cổ phiếu AAPL thành hàng khan hiếm với ROE vượt 100%. Giá cổ phiếu tăng 700% đưa vốn hóa Apple tăng hơn 5 lần bất chấp quy luật cổ phiếu thường bị lãng quên khi không còn tăng trưởng.
So với các lựa chọn, tái đầu tư hay trả cổ tức tiền mặt, mua cổ phiếu quỹ đang là xu thế được chọn trên thế giới, trong một môi trường lãi suất huy động siêu thấp và nhu cầu CAPEX không lớn.
Khi khó tìm kiếm các cơ hội tốt trên thị trường, Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett cũng đã bỏ ra hơn 30 tỷ USD mua lại 6% cổ phiếu lưu hành của công ty trong 2 năm qua. Tập đoàn có vốn hóa lớn thứ 2 thế giới Microsoft cũng đã liên tục mua vào thu hẹp 30% quy mô vốn lưu hành trong 10 năm qua.
Y như với Apple, chính sách này góp phần duy trì uptrend của CP Microsoft và nâng định giá P/E từ 8,x (lần) vào 2010 lên 40,x (lần) vào 2018, đưa vốn hóa Microsoft tăng 4 lần, trở lại nhóm doanh nghiệp top vốn hóa thế giới, mặc cho lợi nhuận ko hề tăng suốt 2010-2018.
Bài học với thị trường chứng khoán Việt Nam
Những doanh nghiệp có số dư tiền mặt lớn, dòng tiền về mạnh hàng năm vượt nhu cầu tái đầu tư như Vinamilk, Sabeco, Hòa Phát, FPT, Coteccons, REE... hoàn toàn có thể cân nhắc mua cổ phiếu quỹ, giảm quy mô vốn lưu hành. Đây như một lựa chọn rất tốt để chia lại lợi nhuận cho cổ đông thay cho cách làm truyền thống hiện nay là trả tiền mặt hoặc tệ nhất là trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Cổ đông trực tiếp nhận cổ phiếu thưởng hay tiền mặt nên không phải nộp thuế thu nhập, nhưng hưởng lợi lớn hơn nhiều từ việc gián tiếp tăng % sở hữu công ty do quy mô vốn điều lệ thu hẹp, đồng thời hưởng lợi từ mức tăng giá cổ phiếu, tăng định giá P/E, và tăng vốn hóa của doanh nghiệp.
Mua lại cổ phiếu quỹ ở định giá hợp lý đồng thời đảm bảo nguồn vốn dôi dư của doanh nghiệp được tái đầu tư vào chính mình, không "nằm chết" trong tài khoản ngân hàng với lãi suất ngày càng thấp, hoặc sa lầy vào các dự án mới ngoài ngành cốt lõi, hay các start-up phiêu lưu khổng lồ nhiều rủi ro.
Trong môi trường lãi suất thấp, những doanh nghiệp tốt nhất với dòng tiền dồi dào nhưng thiếu cơ hội tái đầu tư hiệu quả cũng sẽ có những mối đau đầu riêng. Mua cổ phiếu quỹ đang là một lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp top đầu thế giới hiện nay, như một trong những cách trả lại giá trị tốt nhất cho cổ đông.
(Bài viết của ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc SGI Capital)
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/