|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu NVT tăng trần hàng chục phiên, chủ dự án Six Sense Ninh Vân Bay kinh doanh ra sao?

16:14 | 29/03/2022
Chia sẻ
Qua gần hai thập kỷ hoạt động và qua nhiều lần đổi chủ, Ninh Vân Bay đem về kết quả kinh doanh nhiều biến động khi lỗ lũy kế hơn 700 tỷ đồng hết năm 2021. Dẫu vậy, công ty vẫn mạnh tay chi tiền để mua các khu nghỉ dưỡng 5 sao trong mùa COVID nhằm đón đầu khu ngành du lịch hồi phục.

Thời gian gần đây, cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay gây chú ý trên thị trường khi tăng trần hàng chục phiên và vượt 30.000 đồng/cp, bắt đầu sau thông tin Tasco (Mã: HUT) cho biết sẽ đầu tư vào Ninh Vân Bay thông qua Tasco Land để tạo nền tảng thương hiệu, vận hành và triết lý phát triển sản phẩm bất động sản cao cấp. Cùng với đó là sự gia nhập của Hoa hậu Ngọc Hân với vị trí Phó Tổng Giám đốc. 

 Diễn biến giá cổ phiếu NVT ba tháng qua. (Nguồn: TradingView).

Vật lộn tái cấu trúc và cuộc đua giành quyền kiểm soát

Ninh Vân Bay được thành lập từ năm 2006 với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Thời bấy giờ, công ty được xem là một trong những "ông trùm" của lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, sau thành công của dự án Six Senses Ninh Vân Bay Khánh Hòa. Theo bản cáo bạch, riêng năm 2008 và 2009, khu nghỉ dưỡng nói trên đem về cho công ty doanh thu 93 tỷ và 109 tỷ đồng.

Cụ thể hơn về tình hình kinh doanh, năm 2009 (thời điểm công ty tái cấu trúc doanh nghiệp), doanh thu và lợi nhuận bắt đầu tăng trưởng mạnh (so với ba năm trước đó) nhờ mua lại các công ty trong ngành du lịch bất động sản và hình thành mô hình tập đoàn.

Bên cạnh tổng tài sản có lúc vượt mốc 1.500 tỷ đồng, công ty cũng không giấu tham vọng khi muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng với hàng loạt dự án mới dự kiến được triển khai. Tuy nhiên, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đúng lúc thị trường gặp khó khiến Ninh Vân Bay nhanh chóng rơi vào khó khăn, do không thể cân đối được dòng tiền.

Trong suốt 14 năm từ khi thành lập tới năm 2019, dù có được doanh thu đều đặn trên dưới 200 tỷ đồng, nhưng có tới 4 năm thua lỗ. Tổng số lỗ của 4 năm lên tới 753 tỷ đồng, trong khi tổng lãi của 10 năm chưa được 200 tỷ.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của NVT. 

Đến năm 2013, quỹ ngoại Recapital Group xuất hiện và được xem là vị "cứu tinh" của Ninh Vân Bay khi chi 225 tỷ đồng mua 30 triệu cổ phần vào năm 2013.

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm đeo đuổi, nhóm cổ đông ngoại không những không cứu vớt được Ninh Vân Bay mà còn khiến công ty chìm sâu trong thua lỗ. Có lúc công ty phải dứt ruột bán Emeralda Ninh Bình - dự án trọng điểm của công ty tại miền Bắc nhằm bổ sung vốn cho hoạt động tái cấu trúc công ty. Còn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NVT rơi thẳng từ 10.000 đồng/cp về 1.600 đồng/cp năm 2014 - 2017.

Đến giữa năm 2019, ông chủ của Câu lạc bộ bóng đá danh tiếng Inter Milan đã có động thái rút vốn, cùng lúc nhóm cổ đông mới bắt đầu lộ diện.

Nhóm cổ đông ngoại đã đăng ký bán 21,72 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn điều lệ doanh nghiệp. Bên mua lại là một cổ đông cá nhân, ông Phạm Quốc Khánh - người trước đó không nắm giữ cổ phiếu nào của NVT.

Cũng trong năm đó, 2019, Ninh Vân Bay ra quyết định thay đổi các nhân sự cấp cao, từ chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc quản lý dự án, giám đốc chiến lược cho đến kế toán trưởng, trong đó ông Phạm Thành Thái Lĩnh giữ chức Chủ tịch. Những nhân sự mới này được biết tới có mối liên hệ mật thiết với CTCP Nhựa Đồng Nai.

Giai đoạn sau 2019: Làm ăn bết bát nhưng thâu tóm thêm hai khu nghỉ dưỡng

Dưới trướng của ông chủ mới, kết quả kinh doanh về doanh thu và lợi nhuận của Ninh Vân Bay vẫn tụt dốc qua các năm 2019 - 2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm 40% so với năm 2020 về còn 126 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2015. Sau khi trừ các chi phí khác, Ninh Vân Bay báo lỗ sau thuế 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 19 tỷ đồng. Con số này đã nâng mức lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối năm 2021 là 707 tỷ đồng, dần ăn mòn vốn góp chủ sở hữu 905 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Ninh Vân Bay đạt hơn 1.062 tỷ đồng, dù vậy "của để dành" gồm tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng dưới 6 tháng chỉ 48 tỷ đồng. Còn lại tập trung ở khoản mục tài sản cố định. Bên cạnh đó, công ty ghi nhận 27 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác nhưng trích lập dự phòng gần 20 tỷ, cùng với khoản nợ xấu hơn 10 tỷ đồng.

Nợ vay của doanh nghiệp sở hữu Six Senses cũng gia tăng mạnh lên 319 tỷ đồng, gấp 59 lần ngày đầu năm. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của NVT. 

Với tình hình tài chính trên, cùng kết quả kinh doanh thụt lùi, một phần vì COVID-19 làm tê liệt ngành du lịch, nhưng Ninh Vân Bay vẫn tiếp tục thâu tóm thêm hai khu nghỉ dưỡng cao cấp mới.

Khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Villas Dalat Resort & Spa tại Đà Lạt. (Ảnh: booking.com).

Cụ thể vào tháng 5/2021, Ninh Vân Bay đã thực hiện đầu tư để sở hữu 99,51% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Dã Hương để nắm quyền sở hữu chi phối tại hai khu nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng và Bình Thuận là khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Villas Dalat Resort & Spa tại Đà Lạt và khu nghỉ dưỡng Mũi Né. Trong đó, khu nghỉ dưỡng tại Đà Lạt được hình thành từ việc phục dựng các biệt thự cổ được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 19.

Ninh Vân Bay đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 sẽ mở rộng thành chuỗi với 10 khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp, với tổng quy mô 1.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Song song đó là phát triển chuỗi 10 khu đô thị bất động sản nghỉ dưỡng đô thị và ven đô với quy mô giới hạn 30 tới 50 biệt thự lớn mỗi khu theo định hướng trên.

Minh Hằng