|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu nhóm thủy sản, dệt may khởi sắc

12:30 | 20/09/2023
Chia sẻ
Nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may tăng tích cực trong phiên sáng 20/9. Nhiều cổ phiếu như VHC, ANV, GIL, MSH, TNG... vươn lên mức giá cao nhất kể từ đầu năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục điều chỉnh trong khoảng 1 tuần gần đây trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư, VN-Index rơi từ vùng 1.240 xuống còn 1.213 điểm tại đầu phiên 20/9. Trong bối cảnh thị trường đang dò dẫm tìm điểm cân bằng, nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may tiếp tục ghi nhận diễn biến khả quan.

Đóng cửa phiên sáng 20/9, ngành thủy sản ghi nhận nhiều mã bật tăng trên 4% như VHC, ANV, ACL, IDI và CMX. Trong đó ANV tăng trần lên 39.250 đồng/cp.Cổ phiếu ANV ghi nhận khối lượng giao dịch đạt gần 4,8 triệu đơn vị, gấp 2,5 mức bình quân phiên qua một tháng, trong đó khớp lệnh giá trần chiếm gần 1,5 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu thủy sản phiên sáng 20/9. Nguồn: VNDirect.

 

Nhóm dệt may cũng tương tự khi GIL, TNG, TCM, MSH, VGT đều tăng khả quan, trong đó GIL tăng trần và TNG tăng gần 6%.Thanh khoản ghi nhận sôi động. Đơn cử, cổ phiếu của Gilimex (Mã: GIL) khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, xấp xỉ khối lượng bình quân phiên qua 1 tháng. 

Diễn biến nhóm cổ phiếu dệt may. Nguồn: VNDirect.

Với diễn biến tích cực trong phiên sáng nay, nhiều cổ phiếu đã tạo lập đỉnh giá mới kể từ đầu năm 2023, bao gồm VHC, ANV của thủy sản và MSH, GIL, TNG thuộc dệt may. Vậy điều gì đã khiến nhóm cổ phiếu này diễn biến tích cực gần đây và đâu là yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh của hai nhóm doanh nghiệp này?

Xuất khẩu phục hồi kéo theo triển vọng lĩnh vực thủy sản, dệt may

Dữ liệu thống kê cho thấy dấu hiệu tích cực cho ngành xuất khẩu đã dần quay trở lại. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng 7. Giá trị xuất khẩu 32,37 tỷ USD cũng là mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây.

Tại nội dung phân tích gần đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dệt may và thủy sản là hai trong những ngành đóng vai trò chủ lực của hoạt động xuất khẩu. Do đó, những nhóm lĩnh vực này đang được kỳ vọng sẽ cải thiện doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cuối năm 2023 qua 2024.

Theo báo cáo ngành dệt may tháng 8 của SSI Research, trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023. Sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện. Hầu hết các công ty trong ngành đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý IV/2022, do đó, SSI Research kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV/2023.

SSI Research dự báo các công ty ngành dệt may sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong quý IV/2023. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý xấu nhất đã được phản ánh vào giá cổ phiếu và nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành trong năm 2024.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá dệt may sẽ hồi phục ở mức nhẹ. Tại báo cáo ngành dệt may mới đây, nhóm phân tích tin rằng thời điểm khó khăn nhất có thể đã qua, tuy nhiên về triển vọng cho đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam dự kiến là một sự phục hồi nhẹ, thay vì một chu kỳ phục hồi đáng kể.

Đối với thủy sản, trong nửa cuối năm 2023, VDSC dự báo triển vọng tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, khi vấn đề tồn kho cao được giải quyết và giá thủy sản giảm sẽ kích thích nhu cầu.

Cụ thể hơn, VDSC dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5 tỷ USD trong nửa cuối 2023, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 15% so với mức nền thấp của nửa đầu 2023. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cho cả năm 2023 ở mức 9,3 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với năm 2022, thấp hơn mục tiêu của Bộ Nông nghiệp (10 tỷ USD).

Lai Phong

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.