|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngành phân bón 'dậy sóng' trước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ

20:32 | 19/04/2017
Chia sẻ
Trước những ý kiến của các doanh nghiệp phân bón về việc sản phẩm phân bón ngoại gây thiệt hại cho tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành, vào ngày 31/3 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của nhóm phân bón trên sàn chứng khoán đã phản ứng nhanh chóng đối với thông tin được xem là tích cực cho ngành này.

Được biết trước những kiến nghị của các doanh nghiệp trong ngành phân bón, cách đây vài ngày, Cục Quản lý cạnh tranh tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa bị điều tra là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%. Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu bị điều tra không phân biệt về màu sắc. Mục đích sử dụng chính của sản phẩm được áp dụng biện pháp tự vệ là dùng cho bón lót, bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên tất cả các loại đất khác nhau hoặc sử dụng để sản xuất các sản phẩm khác với chủng loại/kiểu là phân bón phức hợp hoặc hỗn hợp. Thành phần nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm là Lưu huỳnh, Amoniac, quặng Apatit và các nguyên liệu khác.

Ngay khi có thông tin này, cổ phiếu nhóm ngành phân bón trên sàn đã có những phản ứng tích cực. Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 19/4, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm phân bón tăng kịch trần hoặc đảo chiều tăng từ xu hướng giảm trước đó với khối lượng giao dịch cũng gia tăng đáng kể. Cụ thể, trường hợp DCM tăng trần vọt lên mức 11,050 đồng/cp, với khối lượng giao dịch trên 3 triệu cp và dư mua gần 500 ngàn cổ phiếu, trong khi trắng bên bán.

Một cố phiếu lớn thuộc ngành phân bón khác là DPM cũng chứng kiến mức giá nhảy vọt trong hôm nay khi tăng thêm 1,600 đồng/cp khi chạm mức giá trần là 24,700 đồng/cp, với khối lượng giao dịch trong phiên lên tới 2.7 triệu cp. Phiên giao dịch trước đó (ngày 18/04), cổ phiếu của DPM cũng đã khá nhạy với thông tin này khi tăng 1.32% lên 23,100 đồng với khối lượng sang tay là 1.1 triệu cp. Có thể thấy, cổ phiếu DPM đang thu hút được dòng tiền trong hai phiên qua với thanh khoản gấp đôi thậm chí gấp ba những ngày liền kề.

Một cổ phiếu khác cũng góp mặt vào danh sách tăng kịch trần đó là LAS để đạt mức 13,600 đồng/cp và khối lượng giao dịch vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng qua. Mức tăng này của LAS cũng chặn đứng đà giảm điểm khá mạnh trong thời gian gần đây.

Điệu nhảy chưa dừng lại, xét tuyệt đối về độ tăng phải nói đến cổ phiếu của phân bón Đầu Trâu – BFC khi tăng 1,900 đồng/cp lên 36,000 đồng/cp, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng đang ở mức gấp đôi phiên giao dịch trước đó, lên gần 664,000 cp.

Trong khi đó, cổ phiếu SFG cũng tăng thêm 800 đồng/cp, tương ứng tăng 6.35% lên mức 13,400 đồng/cp với khối lượng giao dịch hơn 130 ngàn cp, gấp gần 10 lần so với phiên ngày 18/04.

co phieu nga nh phan bon da y so ng truo c yeu cau ap dung bien phap tu ve
Sóng đã bắt đầu ở cổ phiếu ngành phân bón trong phiên ngày 19/4/2017?

Có thể thấy, mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng hiệu ứng tích cực nhanh chóng được phản ánh qua biến động giá các doanh nghiệp ngành phân bón đang niêm yết trên sàn bởi nhà đầu tư kỳ vọng rằng nếu biện pháp bảo hộ được áp dụng thì sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội để gia tăng lợi nhuận.

Thực tế thì câu chuyện giá cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách không phải là mới. Trước đó, vào tháng 7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2968/QĐ-BCT (Quyết định 2968) về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau. Chính quyết định này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu thép trong năm 2016 như HSG, VIS, NKG, HPG… Liệu có chăng, đây sẽ là thông tin đẩy cổ phiếu ngành phân bón lên một nấc thang mới trong năm nay?

Tiểu Long

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.