|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Thanh khoản VPB 'bùng nổ', VietinBank dự kiến dùng 9.600 tỷ lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức

14:31 | 09/04/2022
Chia sẻ
Trong tuần qua, thanh khoản của VPB đã tăng vọt lên gần 138 triệu đơn vị, hơn gần 70% so với tuần trước đó, đứng đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch. Giá trị giao dịch tương đương đạt 5.447 tỷ đồng, cách biệt so với các cổ phiếu ngân hàng khác.

(Ảnh minh họa: VPB).

19/27 mã giảm giá, thanh khoản VPB tăng vọt

Trong tuần vừa qua (4/4 - 8/4), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy tích cực khi có 19 mã giảm giá, 7 mã tăng và một mã đứng tham chiếu.

Trong đó, cổ phiếu KLB của Kienlongbank là mã giảm mạnh nhất ngành (-10,5%) với 4 trên 5 phiên giao dịch kết thúc trong sắc đỏ, ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Riêng phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu này giảm mạnh tới 7%. Kết thúc tuần qua, KLB giảm xuống còn 33.100 đồng/cp, thấp nhất trong gần 2 tháng trở lại, song vẫn cao hơn gần 33% so với thời điểm đầu năm.

Bên cạnh đó, cổ phiếu SHB cũng có một tuần giao dịch kém khả quan khi giảm 9,5%, gần xuống mức thấp nhất trong một năm trở lại. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác, bao gồm cả các nhà băng có vốn hóa lớn như BIDV, HDBank, Sacombank,... ghi nhận mức giảm từ 3 - 6% trong tuần qua.

Ở chiều ngược lại, PGB là mã tăng mạnh nhất (+8,5%) khi ở tuần trước, tại đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo Petrolimex khẳng định có thể hoàn tất thoái vốn PG Bank trong năm nay.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự cải thiện trong tuần qua. Cụ thể, có tổng cộng hơn 682 triệu cổ phiếu ngân hàng được mua bán, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 23.247 tỷ đồng, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 12,2% về giá trị so với tuần trước đó.

Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu VPB trong tuần này tăng vọt lên gần 138 triệu đơn vị, tăng gần 70% so với tuần trước đó, đứng đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch. Giá trị giao dịch tương đương đạt 5.447 tỷ đồng, cách biệt với mức 2.495 tỷ đồng của MB hay 2.071 của TCB.

Dòng tiền đổ vào mã VPB được ghi nhận đến chủ yếu từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, sau những thông tin về việc ngân hàng này dự kiến tăng vốn lên trên 79.300 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại.

VPB cũng là mã duy nhất có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị trong tuần qua. Các mã như SHB, MBB, STB có thanh khoản dao động quanh mức 64 - 81 triệu đơn vị.

Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 109 tỷ đồng STB sau nhiều tuần gom vào trước đó. Riêng phiên giao dịch cuối cùng đã bán ròng 85 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại đã mua ròng gần 95 tỷ đồng cổ phiếu TPB.

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

VietinBank dự kiến sẽ dùng toàn bộ 9,624 lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ năm 2021để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu chia cổ tức thành công, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm khoảng 20%, lên xấp xỉ 57.700 tỷ đồng.

VPBank dự kiến tăng vốn lên trên 79.300 tỷ đồng thông qua hai đợt trong năm 2022, phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại. Ngân hàng nàycũng lên kế hoạch mua lại CTCP Bảo hiểm OPES, có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi 8 ngân hàng về việc phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch... để phục vụ công tác điều tra trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" liên quan đến Tập đoàn FLC.

Kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB đã dẫn tới làm giảm thu nhập của Eximbank, do đó Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ngân hàng này phải giải trình với đại hội đồng cổ đông. Nếu không được thống nhất, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 6,3 tỷ đồng.

TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15.817 tỷ đồng lên 21.090 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu phổ thông từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.

Sacombank cho biết giai đoạn 2022-2026 sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro. Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.

Lê Huy

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.