|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: CTG tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản

19:45 | 18/10/2020
Chia sẻ
Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến 16/21 mã ngân hàng tăng giá với khối lượng giao dịch đạt hơn 666 triệu cổ phiếu. Trong đó, CTG có mức tăng giá theo tuần mạnh nhất kể từ đầu năm và TCB ghi nhận thanh khoản kỉ lục.
CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VietinBank)

CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm

Tiếp diễn xu hướng trước đó, số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm áp đảo trong tuần giao dịch vừa qua (12/10 - 16/10) với 16/21 mã. 

Trong đó, BVB của VietCapital Bank là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành (+17,1%). 

Ngoài BVB, CTG cũng ghi nhận mức tăng 12,7%, đánh đấu tuần tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ đầu năm. Đồng thời, khối lượng giao dịch của CTG cũng đạt hơn 67,6 triệu cp, mức cao nhất từ tháng 3/2018.

Sự bùng nổ của CTG xuất hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Việc sửa đổi nghị định đã tạo cơ sở pháp lí, giúp VietinBank có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. 

Thực tế, ngày 16/10, ngân hàng này đã thông báo xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức năm 2017, 2018 và 2019 bằng cổ phiếu.

Bên cạnh BVB và CTG, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong quần qua như LPB (+7,7%), TCB (+6,1%), VPB và ACB (+5,1%), BID (4,6%) và VCB (+4%),...

Ngược lại, chỉ có 5 mã ngân hàng giảm giá. Trong đó, SGB của Saigonbank là mã giảm mạnh nhất ngành (-40,7%), với phiên giảm kịch mức cho phép (-39,9%) trong ngày đầu tiên lên giao dịch tại UPCoM vào 15/10.

Xu hướng tăng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được nối dài trong bối cảnh thị trường chung vẫn duy trì được đà hưng phấn. 

Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index tăng 19,3 điểm lên mức 943,3 điểm, tương ứng tăng 2,09% so với cuối tuần trước. 

Trong khi đó, HNX -Index chỉ điều chỉnh duy nhất trong phiên đầu tuần 12/10 và tăng điểm ở 4 phiên giao dịch còn lại. Tổng cộng cả tuần, chỉ số HNX-Index tăng 2,91 điểm, tương ứng tăng 2,13%.

CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản - Ảnh 2.

Biến động giá 20 mã ngân hàng trong tuần 12/10 - 16/10. (Nguồn: QT tổng hợp)

Vốn hóa toàn ngành tăng gần 44.900 tỉ đồng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 21 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở gần 1,053 triệu tỉ đồng, tăng gần 44.900 tỉ đồng so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 1,7%. 

Sự gia tăng vốn hóa đến từ diễn biến giá tích cực của hầu hết các mã trong ngành. Trong đó, vốn hóa VietinBank tăng hơn 13.000 tỉ đồng lên gần 115.984 tỉ đồng; vốn hóa Vietcombank tăng hơn 12.600 tỉ đồng, đạt 327.123 tỉ đồng; vốn hóa BIDV tăng 7.440 tỉ đồng, lên 169.729 tỉ đồng;...

Kết thúc tuần qua, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, gấp hơn 1,9 lần BIDV và hơn 2,8 lần VietinBank.

Ngược lại, Viet Capital Bank, NCB và Kienlongbank có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 4.344 tỉ đồng, 3.884 tỉ đồng và 3.773 tỉ đồng.

CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản - Ảnh 3.

Vốn hóa 20 ngân hàng chốt ngày 16/10. (Nguồn: QT tổng hợp)

TCB dẫn dầu thanh khoản

Tuần qua có tổng cộng hơn 666,3 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 14.479 tỉ đồng, tăng 21,4% về khối lượng và tăng gần 26,2% về giá trị so với tuần trước. Đây là mức thanh khoản theo tuần cao nhất trong nhiều năm trở lại đây của ngành ngân hàng.

Trong tuần, TCB gây chú ý với khối lượng giao dịch đạt gần 170 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này lên niêm yết tại HOSE. Thanh khoản TCB tăng đột biến nhờ sự bùng nổ trong ba ngày giao dịch cuối tuần, đặc biệt là phiên 14/10 với khối lượng đạt gần 75 triệu đơn vị. 

Cùng với TCB, một loạt mã khác cũng ghi nhận khối lượng giao dịch ở mức cao như STB (gần 78 triệu cp), LPB (gần 70,5 triệu cp), CTG (hơn 67,6 triệu cp), ACB (hơn 66,1 triệu cp).

Mặt khác, TCB cũng sở hữu giá trị giao dịch cao nhất ngành với hơn 3.847 tỉ đồng. CTG, ACB, STB và VPB đứng kế sau với giá trị giao dịch đạt lần lượt 2.020 tỉ đồng, 1.588 tỉ đồng, 1.063 và 1.039 tỉ đồng.

CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 21 mã ngân hàng trong tuần giao dịch 12/10 - 16/10 (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản TCB và BID tăng mạnh

Tuần qua ghi nhận sự gia tăng thanh khoản của 12/21 mã ngân hàng. Trong đó, VBB của VietBank có khối lượng giao dịch tăng mạnh nhất với 113.830 đơn vị, gấp gần 17,5 lần tuần trước. 

Ngoài VBB, thanh khoản của TCB và BID cũng tăng lần lượt 184% và 153%. Một số mã khác cũng ghi nhận mức tăng trên 50% như LPB (+97,3%), CTG (+81,6%), EIB (+76,7%), BVB (+61,5%), KLB (57,9%).

Ngược lại, chỉ có 8 mã ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, khối lượng giao dịch VIB giảm 58,2% với chỉ hơn 13,1 triệu cp được giao dịch. Cùng với VIB, khối lượng giao dịch của BAB, ACB, MBB và STB cũng giảm hơn 20% trong tuần qua.

CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản - Ảnh 5.

Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Hơn 104 triệu cp ngân hàng được giao dịch thỏa thuận

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 562 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 12.105 tỉ đồng, chiếm hơn 84% về khối lượng và gần 84% về giá trị.

Hơn 104 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 2.373 tỉ đồng. Trong đó, TCB có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 40,5 triệu đơn vị.

Phần lớn cổ phiếu lượng cổ phiếu TCB được giao dịch thỏa thuận trong ngày 14/10 với 24,4 triệu đơn vị tại giá 22.850 đồng/cp, đây là giao dịch nội khối của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài TCB,  giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều mã khác như EIB (hơn 14 triệu cp), CTG (gần 8,5 triệu cp), TPB (gần 7,7 triệu cp), VPB (gần 7 triệu cp);...

CTG có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm, TCB đột biến thanh khoản - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng. (Nguồn: QT tổng hợp)

Quốc Thụy