Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Chỉ một mã tăng giá, gần 3.000 tỷ đồng EIB được giao dịch thỏa thuận
26/27 mã "đỏ lửa", EIB thỏa thuận đột biến
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tháng 9 khó khăn trước những biến động trên thị trường tài chính thế giới. Cổ phiếu ngân hàng, một trong những nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường, không tránh được diễn biến tiêu cực chung khi kết tuần cuối cùng của tháng trong sắc đỏ.
Cụ thể, trong tuần qua (26 - 30/9), có tới 26/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong đó, cổ phiếu CTG của VietinBank giảm mạnh nhất với mức giảm 7,2%, kết tuần còn 23.200 đồng/cp, qua đó về lại vùng đáy hồi tháng 6.
Cổ phiếu của 2 "ông lớn" còn lại là VCB và BID cũng không nằm ngoài xu hướng với mức giảm lần lượt là 3,6% và 2,4%. Bên cạnh đó, không ít cổ phiếu ngân hàng khác có mức giảm trên 5% như OCB, VPB, LPB, MSB, PGB, ...
Ở chiều ngược lại, duy nhất SGB là mã tăng giá trong tuần qua, song cũng chỉ nhỉnh nhẹ 0,4%. Điều này nhờ trong phiên cuối tuần, SGB đã bất ngờ đảo chiều tăng kịch trần.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự cải thiện lớn trong tuần qua. Cụ thể, có gần 495 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tăng hơn 26% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương đương đạt 12.336 tỷ đồng, tăng hơn 28%.
Trong đó, EIB bất ngờ dẫn đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch với hơn 102 triệu đơn vị được trao tay, cách biệt so với mức 62,9 triệu đơn vị của VPB đứng sau đó. Chiếm chủ yếu trong đó là các giao dịch thỏa thuận.
Trong phiên cuối tuần, dữ liệu giao dịch ghi nhận hơn 64 triệu cp EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận. Tính chung trong cả tuần, hơn 77 triệu cp EIB được thỏa thuận, tương đương với giá trị giao dịch gần 3.000 tỷ đồng.
Các giao dịch "khủng" của EIB diễn ra sau khi Eximbank được chấp thuận tăng vốn; cùng với đó, đại diện SMBC cũng đã rút khỏi HĐQT của ngân hàng.
Trong tuần này, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu. Riêng trong nhóm ngân hàng, nhóm này đã bán ròng 115 tỷ đồng CTG và 25 tỷ đồng HDB.
Trong khi đó, nhóm tự doanh tích cực mua vào với tâm điểm chính là VCB (mua ròng 87 tỷ đồng), MBB (73 tỷ đồng), TCB (71 tỷ đồng), ....
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Cả 4 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV tăng lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn thêm hơn 1 điểm % sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN.
LienVietPostBank dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% và chào bán 300 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Sau khi hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến đạt hơn 20.291 tỷ đồng.
SHB dự kiến phát hành 400 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu, chào bán 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:20 và chào bán 45,12 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 1,69%. Sau khi thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, SHB sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng.
OCB công bố việc triển khai tăng vốn điều lệ lên hơn 17.808 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ngân hàng số Timo có Chủ tịch điều hành và CEO mới. Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn) giữ chức Chủ tịch điều hành. Trong khi đó, ông Jonas Eichhorst là người kế nhiệm vị nhiệm cho vị trí Giám đốc điều hành.
Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%, riêng 7 tháng đầu năm 2022 xử lý được khoảng 88.100 tỷ đồng nợ xấu.
NHNN cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn cho Agribank, ngoài ra cũng đã đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về phương án tăng vốn của BIDV, VietinBank và Vietcombank.
BIDV thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Đây là lần thứ 4 ngân hàng rao bán khoản nợ này. Giá rao bán khởi điểm cho khoản nợ này là 4.249 tỷ đồng, giảm 655 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên vào tháng 7.