|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt VN-Index chinh phục mốc 1.000 điểm?

17:37 | 14/10/2019
Chia sẻ
Với kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm nay, liệu rằng cổ phiếu ngân hàng - nhóm chiếm vốn hóa lớn thứ hai thị trường sẽ dẫn dắt VN-Index vượt 'siêu' kháng cự 1.000 điểm?

VN-Index gặp cản cứng tại mốc 1.000 điểm

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc. Tính đến ngày 11/10, VN-Index tăng 11,22% so với thời điểm đầu năm, theo sau đó VN30-Index và HNX - Index tăng lần lượt 7,13% và 2,52%. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu thị chịu sự tác động của không nhỏ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc thị trường chứng khoán Việt Nam ngược dòng là một kịch bản khá tích cực.

VNI

Diễn biến chỉ số VN-Index kể từ đầu năm 2019 đến nay. Nguồn: VNDirect

Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm với các nhà đầu tư, kể từ đầu tháng 4 năm nay, đã có 5 lần VN-Index thất bại trước mốc 1.000 điểm. Trước đó, vào giữa tháng 3, VN-Index đã vượt 1.000 điểm, tuy nhiên, chỉ số này chỉ duy trì được trong 5 phiên giao dịch sau đó. 

Sau giai đoạn trên, kể từ đầu tháng 7, thị trường ghi nhận 4 lần VN-Index thất bại trước mốc kháng cự 1.000 điểm. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao mốc 1.000 điểm là ngưỡng kháng cự lớn của VN-Index đến vậy.

Vai trò dẫn dắt VN-Index, các cổ phiếu Bluechip diễn biến ra sao trong 9 tháng đầu năm nay?

Trả lời câu hỏi trên, người viết rà soát lại diễn biến giao dịch của các cổ phiếu vốn hóa lớn tác động đến VN-Index, đơn cử là các mã nhóm VN30.

Thống kê trong 9 tháng đầu năm nay, nhóm VN30 có 18 mã tăng giá và 12 mã giảm giá. Trong đó, cổ phiếu FPT đứng đầu về tỉ lệ tăng giá với 60,23%, theo sau là hai mã VCB và MWG với tỉ lệ lần lượt là 53,17% và 50,02%. 

Ngoài VCB, một số cổ phiếu ngân hàng khác trong nhóm VN30 cũng tăng giá trong ba quí đầu năm nay MBB (30,73%), EIB (17,86%), BID (17,61%), VPB (13,66%), CTG (11,32%). Tuy nhiên, một số cổ phiếu khác thuộc nhóm ngân hàng lại giảm điểm như HDB (giảm 1,77%), TCB (8,79%), STB (9,05%). Điều này cho thấy sự phân hóa rõ nét ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm tài chính, bảo hiểm trong rổ VN30 cũng giảm điểm như BVH, SSI. 

Như vậy, diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu chiếm tỉ trọng vốn hóa cao thứ hai thị trường là một trong những nhân tố kìm hãm đà tăng của VN-Index.

VN30

Biến động giá cổ phiếu nhóm VN30 trong 9 tháng đầu năm nay. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Với nhóm cổ phiếu tác động lớn nhất đến VN-Index - 'họ Vingroup', bộ ba VIC - VHM - VRE đều tăng giá trên 18% trong 3 quí. Cụ thể, cổ phiếu VHM tăng 22,96%, VIC và VRE tăng giá lần lượt 19,32% và 18,33%. Với việc chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn nhất thị trường, bộ ba cổ phiếu 'họ Vingroup' tác động tích cực đến VN-Index. 

Sau hai nhóm trên, nhóm thực phẩm đồ uống với các đại diện như VNM, SAB, MSN, SBT diễn biến không mấy khả quan khi tỉ lệ tăng thấp hơn đáng kể so với mức tăng của VN-Index. Đáng chú ý, hai mã MSN và SBT giảm lần lượt 0,13% và 5,27%.

Trạng thái đối lập với 'họ Vingroup', cổ phiếu nhóm xây dựng - bất động sản - vật liệu xây dựng trong rổ VN30 giảm giá mạnh trong ba quí đầu năm nay, đơn cử như các mã HPG, ROS, CTD, NVL. Đáng lưu ý, cổ phiếu CTD của Coteccons dứng đầu về giảm trong rổ VN30 khi mấy 38,77% giá trị 9 tháng đầu năm nay.

Diễn biến phân hóa của không chỉ diễn ra với các cổ phiếu vốn hóa lớn mà còn là bức tranh chung trên thị trường. Điển hình, trên sàn HOSE, trong 9 tháng đầu năm nay ghi nhận 207 cổ phiếu tăng giá và 168 cổ phiếu giảm giá. Tỉ lệ tăng giá bình quân của các cổ phiếu trên sàn này đạt 5,78%, bằng một nửa tỉ lệ tăng của VN-Index.

Cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt VN-Index vượt 1.000 điểm?

Quan sát của người viết, trong những phiên VN-Index thất bại trước mốc 1.000 điểm đều xuất hiện giao dịch trái chiều của những cổ phiếu vốn hóa lớn. 

Gần đây nhất, tại phiên 30/9, VN-Index lên mức cao nhất 1.004,17 điểm, nhưng đóng cửa giảm 1,28 điểm xuống còn 996,56 điểm. Nguyên nhân giảm điểm đến từ việc giảm điểm của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, SAB, MSN. Tương tự, phiên 2/10, VN-Index không chinh phục thành công mốc 1.000 điểm do việc giảm giá của các mã VIC, VCB, GAS, MSN và VNM. Điều này cho thấy diễn biến không đồng thuận của các cổ phiếu trụ.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch giữa tháng 10, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự đồng thuận về dòng tiền khi thanh khoản liên tục tăng. Kết quả giao dịch khởi sắc xuất phát từ những thông tin tích cực về lợi nhuận của các ngân hàng.

Điển hình, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất Vietcombank (Mã: VCB) đạt 17.592 tỉ đồng, tăng 50,6% so với cùng kì và đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 17.250 tỉ đồng, tăng 51,9%.

Cùng mới đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 2.491 tỉ đồng, tăng 89,5% so với cùng kì năm trước, bằng 94% so với kế hoạch năm (2.650 tỉ đồng).

Mới nhất, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – Mã: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quí III/2019 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của ngân hàng mẹ đạt 7.086 tỉ đồng, tăng 28,5% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.748 tỉ đồng, tăng 30%.

Chưa dừng lại, trong kết quả khảo sát được Ngân hàng Nhà nước công bố đầu tháng 10, có đến 87,1% TCTD kì vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 "cải thiện" hơn so với năm 2018. Đây có thể là tín hiệu tích cực cho dòng cổ phiếu "vua" trong năm nay.

Với những gì đã công bố cho thấy kết quả kinh doanh của các ngân hàng tương đối khởi sắc trong 9 tháng đầu năm nay. Liệu, nhóm cổ phiếu chiếm vốn hóa lớn thứ hai thị trường này có đóng vai trò 'đầu tàu' trong việc dẫn dắt VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm?

Nhóm phân tích MMA

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.