Cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ hiệu suất đầu tư tháng 9 của 'cá mập' Pyn Elite
Báo cáo hoạt động tháng 9 của Pyn Elite Fund cho thấy ba cổ phiếu ngành ngân hàng gồm TPB (+15,3%), STB (+9,2%) và CTG (+5,4%) đóng góp đáng kể vào hiệu suất đầu tư tháng 9. Ngược lại, ACV (-5,6%), PLX (-8,4%) và MIG (-10,5%) giảm điểm nhất danh mục. Hiệu suất đầu tư lũy kế từ đầu năm nâng lên 20,61%, trong khi VN-Index tăng 14%.
Tổ chức đến từ Phần Lan đang có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 484 triệu EUR tại cuối tháng 9 (xấp xỉ 13.600 tỷ đồng). 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục gồm STB, MBB, TPB, ACV, CTG, FPT, HDB, DSE, DBC, HVN. Trong đó 5 mã ngân hàng đã chiếm tỷ trọng 50% danh mục.
Tại thư gửi nhà đầu tư cuối tháng 9, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund, đã đưa ra phân tích về cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, thu nhập của các ngân hàng tiếp tục tăng ngay cả trong những năm thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm, các doanh nghiệp theo chu kỳ phải đối mặt với một số bất ngờ về thu nhập.
“Các ngân hàng đã tăng dự phòng, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng thu nhập của họ, nhưng đồng thời tỷ lệ cổ phiếu ngân hàng đã trở nên rất hấp dẫn khi chúng tôi chờ đợi đợt tăng giá tiếp theo. Nhờ tăng trưởng thu nhập, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đang tích lũy và tỷ lệ P/B của một số cổ phiếu ngân hàng trong quỹ của chúng tôi sẽ giảm xuống dưới 1 lần trong vòng 6 - 12 tháng tới, trừ trường hợp giá cổ phiếu vượt trội sẽ điều chỉnh tỷ lệ định giá theo hướng tăng”, ông Petri nêu nhận định.
Quay lại với báo cáo tháng 9, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, Pyn Elite Fund nêu việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%. Tính đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7,4%, riêng tín dụng tại ngân hàng tư nhân đã đạt mức tăng trưởng 8,6%.
Thông tư về chứng khoán vừa được ký ban hành gỡ bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch (Non Pre-funding) từ ngày 02/11/2024. Đây là tiêu chí quan trọng để FTSE xem xét nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, CPI tháng 8 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh các hoạt động.
8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức trước dịch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ du lịch dẫn đầu ở mức 26,2%. FDI giải ngân trong 8 tháng đạt 14,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.