|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu năng lượng thăng hoa báo hiệu điềm gở cho thị trường toàn cầu

14:52 | 28/03/2022
Chia sẻ
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ suất sinh lời của chỉ số S&P 500 là -4,7%, còn nhóm năng lượng nhảy vọt 42,3%. Sự chênh lệch lớn đến vậy thường xảy ra trước khi kinh tế suy thoái xảy ra hoặc bong bóng chứng khoán vỡ tan.

 

 (Hình minh họa: Shutterstock). 

Nguy cơ suy thoái rình rập

Dưới ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine, giá dầu khí thế giới đã tăng cao đột biến, đồng thời thổi bùng nguy cơ lạm phát đình trệ tại châu Âu. Nếu Nga hiện thực hóa lời đe dọa cắt đứt nguồn cung khí đốt, khả năng cao là châu Âu sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng. 

Mỹ có vẻ ở vị thế an toàn hơn nhờ hầu như không phụ thuộc vào hàng hóa năng lượng của Moscow. Chỉ 1% lượng dầu tiêu thụ của Mỹ đến từ Nga. Nhưng nền kinh tế số một thế giới không nên đắm chìm trong cảm giác an toàn giả tạo. 

Giữa lúc thị trường đầy rẫy những tín hiệu tiêu cực, hàng loạt chuyên gia đã cảnh báo rằng kinh tế Mỹ có thể đang sắp sửa rơi vào suy thoái. Giá hàng hóa và năng lượng cao ngất, lạm phát kỷ lục, đường cong lợi suất ngấp nghé đảo ngược và nền kinh tế giảm tốc đều là dấu hiệu đủ để khiến các nhà quan sát dựng tóc gáy. 

Tuy nhiên, Phố Wall hiện đang lo ngại hơn về một báo động đỏ khác: Tương quan nghịch biến giữa cổ phiếu dầu mỏ và thị trường chứng khoán Mỹ nói chung. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2001, mối tương quan giữa chỉ số năng lượng S&P 500 và chỉ số S&P 500 trái ngược nhau, do sự kết hợp giữa giá dầu mỏ tăng vọt và cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ suất sinh lời của chỉ số S&P 500 là -4,7%, còn nhóm năng lượng nhảy vọt 42,3%. Cùng khoảng thời gian này, chỉ số công nghệ thông tin S&P 500 giảm 8,8%. 

 Các nhà phân tích cảnh báo rằng trong quá khứ, sự khác biệt lớn đến vậy thường đi trước suy thoái.  

 

Bong bóng vỡ tan

Ông Rory Johnston, nhà sáng lập bản tin Commodity Context nói với Bloomberg rằng lần cuối cùng tương quan giữa cổ phiếu dầu khí và thị trường chứng khoán nới rộng đến mức này là khi bong bóng bong bóng công nghệ dotcom đổ vỡ. 

Vị chuyên gia đánh giá: “Giá dầu tăng cao ở thời điểm hiện tại là điều tích cực cho cổ phiếu năng lượng nhưng tiêu cực cho phần còn lại của nền kinh tế”.  

Theo ông Johnston, sự chia rẽ giữa cổ phiếu năng lượng và chứng khoán Mỹ đã gia tăng kể từ đầu năm, nhưng “trở nên thái quá” khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, kéo giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng và gây ra rủi ro địa chính trị mới cho thị trường chứng khoán. 

Giống như hầu hết các xu hướng dài hạn, mối quan hệ giữa ngành năng lượng và thị trường chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo sẽ không có kịch bản hạ cánh mềm. 

Nhà phân tích James Hodgins của ngân hàng đầu tư Stifel Nicolaus nói với Bloomberg: “Để giá năng lượng có thể suy giảm đáng kể thì có lẽ cần một tình huống tương tự như suy thoái. Trong trường hợp đó thì chỉ số S&P 500 cũng sẽ giảm mạnh và hệ số tương quan sẽ lần nữa quay về mức dương”.

Đại lạm phát 2.0?

Do tương quan giữa cổ phiếu năng lượng và phần còn lại của thị trường chứng khoán thường đồng biến trong cả chu kỳ kinh tế tốt và xấu, chỉ báo này không phải thước đo đáng tin cậy về tình hình kinh tế. Phố Wall có những thước đo yêu thích khác, một trong số đó là đường cong lợi suất.  

Đường cong lợi suất thể hiện sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn và dài hạn. Đường cong lợi suất đảo ngược – lợi suất trái phiếu ngắn hạn lớn hơn dài hạn – đã dự đoán đúng mọi cuộc suy thoái kể từ năm 1955, với duy nhất một lần báo động giả trong gần 70 năm qua.

Một cảnh báo đỏ khác đã xuất hiện: Hôm 25/3, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 và 10 năm đã thu hẹp lại còn 0,18 điểm %. 

 

Theo tờ Oilprice, dẫu giả định rằng đường cong lại suất đang phát đi báo động giả và nền kinh tế Mỹ không đứng trên bờ vực suy thoái thì kịch bản còn lại cũng không mấy lạc quan. Lần duy nhất đường cong lợi suất đảo ngược không dẫn tới suy thoái thì lại báo trước điều tồi tệ không kém: Cuộc “Đại lạm phát” kéo dài từ giữa thập niên 1960 đến đầu những năm 1980.

Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã chạm mức 7,9% vào tháng 2 năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1982 – gần với thời điểm cuộc Đại lạm phát kết thúc. Nhưng tình hình vẫn có thể tồi tệ hơn. Nhà đầu tư dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ leo lên 8,6% trong tháng 3 và tháng 4, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kịp tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản vào tháng 5.

Tuần trước, Fed đã công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm. Ông Gang Hu, chuyên gia đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ tại quỹ đầu cơ WinShore Capital Partners, chỉ trích: “Đáng tiếc, cuộc họp chính sách vừa rồi có lẽ là lúc mà thị trường và xã hội cần một cú sốc lớn, cho thấy Fed vẫn tập trung vào việc ghìm cương lạm phát”.

“Việc Fed chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản mà không thắt chặt định lượng gần như đã đổ thêm dầu vào lửa. Phố Main đang kháo nhau: ‘Chúng ta có thể tăng giá lên bao nhiều tùy thích mà không cần quan tâm đến cạnh tranh’. Cho đến giờ thì những doanh nghiệp này vẫn đang đúng”. 

Tuy nhiên, một vài chỉ báo suy thoái quan trọng khác vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Đầu tiên, sản lượng công nghiệp tăng 0,5% trong tháng 2, cao hơn 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng công nghiệp là chỉ số quan trọng cho thấy sức mạnh kinh tế. Tiếp đến, chỉ số quản lý thu mua Mỹ (PMI) đạt 57,3 điểm vào tháng trước, cao hơn mức trung bình trong thập kỷ qua khoảng 6%. 

Trong khi đó, chỉ số bất ổn về chính sách kinh tế (economic policy uncertainty index) cũng giảm từ mức 200 điểm trong tháng 12/2021 xuống 139 điểm trong tháng 2. Điều này cho thấy nỗi lo về sai sót chính sách của Fed hoặc chính quyền ông Biden đang dịu đi nhanh chóng.

Giang