Cổ phiếu FRT của FPT Retail bị cắt margin
FPT Retail bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023 là con số âm.
Cụ thể hơn, công ty đã báo lỗ 224 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lai 211 tỷ đồng. Giải trình kết quả này, phía FPT Retail cho biết 6 tháng đầu năm, CTCP Dược phẩm Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý II/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất, tuy nhiên lợi nhuận Long Châu chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ.
Báo cáo ngành bán lẻ cập nhật tháng 8 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết doanh thu trong quý II của Long Châu tiếp tục tăng 97% so với cùng kỳ, khả năng nhờ doanh thu của các cửa hàng cũ vẫn tăng trưởng tốt và đơn vị tiếp tục mở cửa hàng mới trong quý II (tăng 187 cửa hàng so với quý trước), nâng số lượng cửa hàng lên 1.243 vào cuối quý II. Do đó, doanh thu trên mỗi cửa hàng trong quý II vẫn ổn định ở mức 1,05 tỷ đồng mỗi tháng so với 1,1 – 1,16 tỷ đồng trong 2 quý trước. Lợi nhuận ròng quý II của Long Châu tăng lên 33 tỷ đồng so với khoản lỗ 1 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường, cổ phiếu FRT đang được giao dịch quanh 76.700 đồng/cp tại phiên sáng 10/8, giảm 3% qua 1 tuần. Tính từ đầu năm, thị giá FRT tăng 29% với khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 950.000 đơn vị.
Danh sách cắt margin của HOSE tăng lên thành 76 mã
Cùng với FRT, HOSE còn bổ sung hai mã ASG của CTCP Tập đoàn ASG và SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG vào danh sách cắt margin. Nguyên do của ASG tương tự với FRT khi lỗ trong 6 tháng đầu năm. Đối với SIP, công ty này mới niêm yết vào ngày 8/8. Theo đó, danh sách không cấp ký quỹ của HOSE tăng lên thành 76 mã tại ngày 9/8.