|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn liệu sẽ lên ngôi?

06:42 | 19/05/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đầu tư cổ phiếu vào các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn đang được các chuyên gia khuyến nghị cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa: Vietnamplus.

Mặc dù lạm phát ở Việt Nam dự báo vẫn được kiểm soát tốt, quanh mốc 4%, nhưng rủi ro này vẫn luôn hiện hữu trong bối cảnh áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, đầu tư cổ phiếu vào các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn đang được các chuyên gia khuyến nghị cho nhà đầu tư.

Đầu tháng 5/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát trên toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài, thậm chí tình trạng trên có thể xấu hơn nếu cán cân cung và cầu không được đảm bảo và trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều nền kinh tế.

IMF dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2022.

Báo cáo gần đây của CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, phản ứng của ngân hàng trung ương khi lạm phát tăng thường là tăng lãi suất và cung tiền sẽ chậm lại. Việc tăng lãi suất và hạn chế cung tiền có thể xem là tác nhân gây giảm giá cổ phiếu trên thế giới trong thời gian qua.

Dù số liệu CPI tháng Tư vừa qua của Việt Nam tăng ở mức khiêm tốn, 2,64% so cùng kỳ, song các chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam đánh giá, CPI của Việt Nam sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu (cũng như lãi suất ngân hàng) sẽ tăng dần lên.

Trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022 mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lưu ý Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ.

Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung.

Trong bối cảnh đó, Mirae Asset Việt Nam cho rằng khi lạm phát và lãi suất tăng, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi.

Tính từ mức giá đóng cửa ngày 4/4/2022 đến ngày 13/5/2022, chỉ số VN-Index đã giảm 342 điểm tương ứng với mức giảm 22,44%. Chỉ số giảm mạnh kéo theo nhiều cổ phiếu ghi nhận các mức giảm lớn hơn nhiều lần, mức giảm phổ biến của các cổ phiếu có thanh khoản cao dao động từ 40-60%.

“Chúng tôi nhận thấy nhiều cổ phiếu sau nhịp giảm mạnh, vốn hóa đã giảm về gần với giá trị khoản mục tiền mặt là tài sản được xem là có tính an toàn cao trong giai đoạn biến động lớn như khoảng thời gian vừa qua,” báo cáo Mirae Asset Việt Nam cho biết.

Dẫn dữ liệu cập nhật từ Fiinpro tại ngày 13/5/2022, Mirae Asset cho biết Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (mã: PVG) là doanh nghiệp có tỷ lệ tiền ròng/giá trị vốn hóa (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất, lên đến 218,16% mức vốn hóa của doanh nghiệp.

Tiếp theo là CTCP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy (mã: TCH) với mức 97,57% và Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) xếp thứ 3 với tỷ lệ 94,31%. Trong danh sách lọc không bao gồm các doanh nghiệp tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán.

Trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) và CTCP Khu công nghiệp Long Hậu (mã: LHG) là hai doanh nghiệp hiện có tỷ lệ tiền mặt ở mức khá cao, lần lượt là trên 60% và 58%.

Xét riêng các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, Mirae Asset nhận thấy nhiều doanh nghiệp đang có dòng tiền cải thiện tốt trong quý 1/2022, thêm vào đó các doanh nghiệp này cũng đang sở hữu lượng tiền mặt lớn.

Dầu khí đang là những doanh nghiệp dự trữ nhiều tiền mặt trong nhóm doanh nghiệp sản xuất. Dẫn dầu danh sách là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS) với giá trị tiền ròng/vốn hóa đạt hơn 72%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVS cũng cải thiện mạnh từ mức -1.356 tỷ đồng trong quý 1/2021 lên mức 667 tỷ đồng trong quý 1/2022.

Tiếp đến là OIL, DCM, DPR, DPM là những cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất hiện có lượng tiền mặt/vốn hóa ở mức cao.

Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, đòn bẩy tài chính thấp được đánh giá có rủi ro ít, khả năng chống chịu với thách thức tốt hơn. Họ cũng có thể thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập một cách dễ dàng hơn.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, dịch vụ có tính chu kỳ, việc cần duy trì lượng tiền mặt nhiều sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng vượt qua giai đoạn đi xuống của chu kỳ sản xuất.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý lựa chọn ra cổ phiếu vẫn còn nhiều động lực tăng giá gắn với triển vọng tăng trưởng chung của ngành và nền kinh tế.

H.Chung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.