|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu chứng khoán chịu vạ lây khi các mã tăng nóng mất thanh khoản: Lo ngại thiệt hại cho vay margin có cơ sở?

18:10 | 17/01/2022
Chia sẻ
Theo quan sát, một số công ty chứng khoán lớn như SSI, MBS, Bản Việt, HSC không cho vay margin với các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua như họ FLC hay các mã bất động sản. Trong khi đó, một số công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ đang thông báo cắt margin với loạt cổ phiếu.

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn sau hiệu ứng Thủ Thiêm, FLC

Thị trường chứng khoán khởi sắc những ngày đầu năm 2022 khi VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 1.500 điểm. Nhà đầu tư kỳ vọng có một năm đầu tư tốt với sự khởi đầu không thể thuận lợi không. Nhưng mọi thứ đã diễn biến bất ngờ, chỉ số đảo chiều giảm sâu sau khi tiệm cận vùng 1.530 – 1.540 điểm.

Đà lao dốc của thị trường khiến các cổ phiếu giảm giá 20 – 40% chỉ trong một thời gian ngắn. Đáng chú ý nhất là hiện tượng giảm sàn hàng loạt của nhóm cổ phiếu bất động sản. Sau khi thị trường xuất hiện thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc thương vụ đấu giá đất kim cương tại Thủ Thiêm.

Ghi nhận những phiên trước đó, tin đấu giá đất lên tới 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông ở Thủ Thiêm đẩy sự kỳ vọng quá lớn vào các doanh nghiệp địa ốc. Không ít cho rằng nhà đầu tư "đếm cua trong lỗ" khi đẩy giá "cổ đất" tăng phi mã dù công ty làm ăn thua lỗ, pháp lý dự án không rõ ràng.

Theo đúng nghĩa lên bằng lý do gì sẽ xuống bằng lý do đó, cổ phiếu bất động sản giảm sàn la liệt. Trong đó những mã bất động sản đi lên nhờ "hiệu ứng Thủ Thiêm" đảo chiều với chuỗi giảm sàn, mất thanh khoản như CII, QCG.

Với nhóm cổ phiếu họ FLC, cộng hưởng hiệu ứng "tin xấu" về đấu giá đất Thủ Thiêm cùng với thông tin liên quan việc bán cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT đẩy các mã giảm sàn 5 phiên liên tiếp. 

Ghi nhận lượng đặt bán giá sàn cao hơn đáng kể so với khối lượng khớp lệnh. Đơn cử, trong phiên 17/1, dư bán giá sàn cổ phiếu FLC là hơn 52 triệu đơn vị trong khi lượng khớp trên sàn chỉ đạt 728.900 cp. Hay mã ROS từng xuất hiện kỷ lục dư bán giá sàn trên 100 triệu cp. Hiện tượng cổ phiếu giảm sàn diễn ra trên các mã liên quan Tập đoàn FLC như FLC, ROS, ART, KLF, HAI, AMD.

Cổ phiếu chứng khoán chịu vạ lây?

Trái với tâm lý hưng phấn với sóng bất động sản trước đó, không ít nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn thời gian hiện tại. Hiệu ứng giảm sàn ở cổ phiếu bất động sản lan sang nhóm chứng khoán với suy luận rằng xu hướng hiện tại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán.

Trong phiên 17/1, cổ phiếu chứng khoán đồng loạt giảm sàn với các mã như SSI, VND, VCI, HCM, MBS. Vậy lo ngại việc các cổ phiếu tăng nóng giảm sàn tác động đến nhóm chứng khoán có cơ sở?

Cổ phiếu chứng khoán chịu vạ lây khi các mã tăng nóng mất thanh khoản: Lo ngại thiệt hại cho vay margin có cơ sở? - Ảnh 1.

Tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán với một số cổ phiếu. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Qua tìm hiểu cho thấy, mặc dù các cổ phiếu bất động sản tăng nóng thời gian qua, nhưng một số công ty chứng khoán lớn không đưa vào danh sách cho vay ký quỹ dù các cổ phiếu này đều nằm trong danh sách được phép cho vay của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Theo cập nhật của người viết tại thời điểm trước khi các cổ phiếu bất động sản lao đốc, một số công ty chứng khoán không cho vay margin đối với một số cổ phiếu "họ FLC" hay mã bất động sản như SSI, Bản Việt, MBS, HSC.

Một số công ty cho vay margin với cổ phiếu FLC, ROS như SHS, Mirae Asset, Chứng khoán KIS (Việt Nam), KB Việt Nam, Trí Việt, Chứng khoán APG. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội loại một số cổ phiếu như AMD, FLC, HAI, ROS, ART, KLF khỏi danh mục ký quỹ từ ngày 17/1.

Trước trạng thái nằm sàn và mất thanh khoản của cổ phiếu "họ" FLC, Chứng khoán Phú Hưng cũng có động thái tương tự. Công ty này đã hoàn toàn không cấp margin đối với 6 mã này. Tỷ lệ ký quỹ trước đó đối với cổ phiếu AMD là 20%, với ART và ROS là 30%, FLC là 40%, HAI là 15% và KLF là 10%.

Cổ phiếu chứng khoán chịu vạ lây khi các mã tăng nóng mất thanh khoản: Lo ngại thiệt hại cho vay margin có cơ sở? - Ảnh 2.

Thông báo cắt margin của Chứng khoán Phú Hưng gửi đến các nhà đầu tư. Ảnh: PHS.

Trở lại câu chuyện với các cổ phiếu bất động sản khác, theo quan điểm của một giám đốc môi giới, hiện tượng các mã giảm sàn không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các công ty chứng khoán bởi bộ phận quản trị rủi ro áp dụng giá chặn khi cho vay. Cùng với đó, các cổ phiếu mặc dù có giảm sàn nhưng vẫn xuất hiện thanh khoản nên bộ phận quản trị rủi ro vẫn có thể xử lý nếu có giải phấp.

Lý giải về hiện tượng cổ phiếu chứng khoán giảm sàn, vị chuyên gia này cho rằng những đánh giá công ty chứng khoán bị tác động khi cho vay margin là thiếu cơ sở, đây có thể đến từ trạng thái hoảng loạn khi nhà đầu tư cá nhân phải bán ra các cổ phiếu khác khi một số mã bất động sản mất thanh khoản.

Hoàng Linh - Linh Giang