Có nên tiếp tục phát triển nhiệt điện?
Giảm tối đa tác động tới môi trường
Quy hoạch Điện VIII hiện đang được Bộ Công Thương dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi. So với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã loại bỏ hàng nghìn MW nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho rằng, ngoài vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, việc thu hút vốn cho các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ gặp khó.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện với tỷ trọng cao sẽ gia tăng phụ thuộc nguồn than, khí nhập khẩu và đặt ra rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo vẫn chưa được Việt Nam khai thác tối đa. Điện gió ngoài khơi cũng chưa được triển khai và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này cũng khá đa dạng, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước.
Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng cũng chia sẻ, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang xoay quanh việc phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu.
"Vậy tại sao lại không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn", ông Lâm đặt vấn đề.
Ở chiều ngược lại, PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại, việc phát triển các dự án điện than sẽ khiến lượng tro xỉ, tro bay, khí độc hại… gây ảnh hưởng môi trường, người dân xung quanh dự án. Tuy nhiên phải khẳng định, hiện nay, các dự án nhiệt điện than đều có công nghệ xử lý môi trường tốt và luôn đạt chuẩn quản lý môi trường quốc gia.
Công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc, nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến trên 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Ông Bae Youngjin, đại diện Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc cho biết, tập đoàn này có 6 tổng công ty phát điện, giữ 70% công suất phát điện tại Hàn Quốc; trong đó, điện than là nền tảng. Các vấn đề môi trường các nhà máy nhiệt điện than đều có công nghệ lọc bụi, khí thải, nước thải… và 100% nguyên liệu được tái chế sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Thực tế thời gian qua, tại các nhà máy: Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Mông Dương… đều đã đầu tư công nghệ bảo vệ môi trường. Các dự án này đều có khuôn viên xanh - sạch – đẹp, không bụi bặm, được xử lý nước thải tốt và đã được các cơ quan bộ, ngành đánh giá. Các chỉ số quan trắc nước thải, khí thải đều được công bố trên bảng điện tử công khai để người dân xung quanh giám sát và theo dõi.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, một dự án nhiệt điện than sản xuất ngang với 3 dự án điện gió và tương đương 4 dự án điện mặt trời. Ngoài ra, các dự án thủy điện vừa và lớn hiện đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025. Nếu nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện thì sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhập khẩu than vì liên quan đến tàu chở, hầm chứa, bảo quản khí…, nên không thể nhập khẩu nhiều như than và giá thành sẽ cao hơn.
Theo đại diện đơn vị lập dự thảo Quy hoạch Điện VIII, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên. Giai đoạn từ 2025-2035, chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn trở lên và sau năm 2035, chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, hệ thống điện Quốc gia vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí hóa lỏng thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy. Ngoài ra, chi phí sản xuất điện của nguồn điện khí hóa lỏng khá lớn và giá điện theo đó sẽ tăng cao hơn nhiều. Các chuyên gia chia sẻ.
Khó huy động vốn
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng cho thấy, xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh, bổ sung khoảng 17 GW công suất điện mới vào hệ thống điện Quốc gia.
Một vấn đề quan ngại khi thực hiện các dự án điện than là huy động vốn. ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, thời điểm này, làn sóng thoái vốn khỏi điện than của thế giới đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, trong khi Quy hoạch Điện VIII vẫn để 2 giai đoạn 2021-2030 và 2030-2045 tiếp tục phát triển nhiệt điện than.
"Theo thống kê, hiện nay có 37 tổ chức ngân hàng, bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản; 1.237 tổ chức phi Chính phủ, gồm quỹ từ thiện, hưu trí, tín ngưỡng, tương đương 14,14 nghìn tỷ USD; 58.000 cá nhân, tương đương 5,2 tỷ USD thoái vốn khỏi nhiệt điện than. Thậm chí, làn sóng này lan sang cả những người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, họ từ chối gửi khoản tiền của mình vào các ngân hàng thương mại cho vay đối với nhiệt điện than", ông Hoè phân tích.
Hiện tại, gần như chỉ còn Trung Quốc mong muốn tài trợ cho nhiệt điện than để họ chuyển dịch các nhà máy nhiệt điện than của họ. Các điều kiện vay vốn, chỉ định nhà thầu và chính sách mềm về "ngoại giao sổ nợ" sẽ mang lại nhiều hệ lụy.
Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho biết, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 13 tỷ USD cho phát triển năng lượng. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, khả năng thu xếp của tập đoàn trong nước khoảng 3 tỷ USD/năm, còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và người dân trong nước.
Trong bối cảnh các chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính nước ngoài đang thoái vốn khỏi điện than, doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn và sẽ rất khó để huy động vốn cho phát triển điện than. Bên cạnh đó là rủi ro cao khi phụ thuộc vào một nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc.
"Điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội. Ngoài ra, chuyển dịch đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chung trên toàn cầu, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này", VSEA nhận định.
Do đó, các Liên minh kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới. Thay vào đó, Bộ có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Bộ Công Thương cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Điện VIII vào thời gian tới; trong đó, tập trung cân đối phát triển các nguồn điện để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện và cùng với đó là có chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư, phát triển ngành điện.