'Cò đất' làm náo loạn thị trường nhiều nơi, Bộ Xây dựng lên tiếng
Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri về tình trạng “cò đất” hoạt động công khai, dù chưa được pháp luật công nhận và điều chỉnh.
Theo đó, cử tri đã đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới bất động sản nói chung và người môi giới nói riêng.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết pháp luật về kinh doanh bất động sản hiện hành đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có dịch vụ môi giới bất động sản.
“Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất“ như cử tri đã đề cập; đây là hoạt động không theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp”, Bộ Xây dựng cho biết.
Theo Bộ này, các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới.
Để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ cũng khẳng định, theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, Bộ sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới bất động sản nói riêng để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.
Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã có quy định điều chỉnh đầy đủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có hoạt động môi giới bất động sản và người hành nghề môi giới bất động sản.
Trong đó, tại Điều 62 của Luật đã quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Cụ thể, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; trường hợp cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Ngày 30/11/2015, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Tại Điều 58 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể biện pháp xử lý các vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có quy định xử lý vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định đối với kiến nghị của cử tri về “cò đất” nêu trên, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nói chung và quản lý hoạt động môi giới bất động sản nói riêng.
Trước đó, báo chí phản ảnh khá nhiều về tình trạng “cò đất” tung hoành, làm náo loạn thị trường bất động sản ở nhiều nơi.
Thậm chí để đối phó với tình trạng “cò” đất lộng hành, một huyện ở Quảng Ninh từng phải ra quyết định dừng nhiều loại giao dịch đất để chờ ngày huyện này sáp nhập về với thành phố Hạ Long.
Trao đổi với Dân trí mới đây, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản cho biết, cả nước có khoảng 300.000 môi giới, TP.HCM đông nhất là 90.000; Hà Nội có khoảng 60.000 – 70.000, còn lại là ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, những môi giới có chứng chỉ chỉ bằng 1/10 con số đó.
“Tính cạnh tranh trong nghề môi giới là rất mạnh, số lượng đông, cạnh tranh mạnh, nếu không thực sự có năng lực sẽ bị đào thải. Nhưng đây là nghề có lợi nhuận , lại không bỏ vốn đầu tư nên thu hút nhiều người muốn vào trải nghiệm”, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản cho biết.
Hiện xã hội vẫn đang “nhập nhằng” giữa các khái niệm “cò đất” và môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
“Trên thị trường hiện nay rất nhiều môi giới nghiệp dư, đi làm môi giới ở mọi lứa tuổi và xem đó là ngành nhanh làm giàu, mặc dù không rõ về pháp lý dự án để tư vấn cho khách hàng. Những người này thường thấy thị trường sốt thì “nhảy” vào, hết sốt thì nghỉ.
Đó chính là lý do thị trường nhìn nhận nghề môi giới bằng những từ ngữ chưa đúng như “cò đất”, bởi người ta nghĩ rằng những người làm công việc là tranh thủ, là cơ hội, nhìn vào lợi ích của họ nhiều hơn khách hàng…”, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam từng cho biết khi trao đổi với báo chí về vấn đề này.