|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cơ chế tỷ giá nào trong chiến tranh thương mại?

16:11 | 02/08/2018
Chia sẻ
Ngày 1/8/2008, đúng mười năm trước, tỷ giá chuyển khoản bán ra đô la Mỹ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức 16.740 đồng; ngày 31-7-2018 cũng tỷ giá trên là 23.330 đồng, tăng 39,37% hay tiền đồng mất giá 39,37% so với đô la Mỹ.
co che ty gia nao trong chien tranh thuong mai Tỷ giá USD hôm nay (2/8) giảm, Fed giữ nguyên lãi suất, tỷ giá ngân hàng giảm nhiệt
co che ty gia nao trong chien tranh thuong mai NHNN dừng bán USD can thiệp thị trường, tỷ giá ngân hàng suýt chạm trần
co che ty gia nao trong chien tranh thuong mai
Tỷ giá hối đoái của Việt Nam chịu tác động mạnh bởi sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ. Ảnh: T.L

Cùng thời gian mười năm nói trên lạm phát của chúng ta khoảng 80%, trong khi ở Mỹ và các nước khác tầm 28%, chênh lệch lạm phát đâu đó 52%. Rõ ràng sự giảm giá của tiền đồng so với đô la Mỹ vẫn còn thấp hơn lạm phát. Hay nói cách khác, tiền đồng vẫn còn đang cao giá 12-13% so với đồng ngoại tệ phổ biến nhất trên thế giới.

Tính toán đơn thuần về mặt số học đó của các chuyên gia tài chính chỉ ra biến động của tỷ giá hối đoái đô - đồng hai tháng vừa qua, một mặt vừa nằm trong phạm vi điều hành của chính sách tiền tệ, một mặt là sự điều tiết ở một mức độ nhất định của thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà kỳ vọng của các chủ thể trên thị trường đối với tỷ giá hiện nay vẫn đang lớn.

Không ai có thể đảm bảo danh sách các quốc gia bị Mỹ cho là thao túng tiền tệ và có khả năng bị Mỹ áp thuế thương mại chỉ có châu Âu, Trung Quốc.

Nhìn lại hai tháng 6 và 7-2018, ghi nhận không thể bỏ qua là tỷ giá hối đoái của chúng ta chịu tác động mạnh bởi sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ. Ngày 14-6-2018 một đô la Mỹ còn tương đương 6,4 nhân dân tệ; ngày 30-7-2018 hơn sáu tuần sau 1 đô la Mỹ đổi được 6,83 nhân dân tệ, đồng tệ đã giảm giá tới 6,72%. Sự giảm giá này - như nhận xét của giới tài chính quốc tế trên hai kênh truyền thông CNBC và Bloomberg - là hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ biến động ra sao tới đây là chuyện thế giới.

Nhưng “chiến trường” của chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ mang tầm thế giới đó lại ở ngay sát chúng ta. Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn nhất nhì của Việt Nam. Tỷ giá hối đoái đô - đồng không thể đứng yên khi tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ lên xuống với các bước rộng vì chúng ta đang nhập siêu lớn từ quốc gia đông dân láng giềng cả trên bình diện chính thức cũng như tiểu ngạch. Nếu tiền đồng không giảm giá so với đô la Mỹ một cách tương đối so với mức độ giảm giá của nhân dân tệ đối với đồng đô la, thì hàng hóa Trung Quốc sẽ vào Việt Nam dễ dàng. Nguy cơ này không viển vông, nó có thật, nó đang hiện hữu. Để bảo vệ nền sản xuất trong nước ngay trước mắt, ngay trên sân nhà, ngắn hạn và trung, dài hạn, tỷ giá hối đoái đang và sẽ bắt buộc phải biến động hợp lý.

Ở một khía cạnh khác, không phải đối tác thương mại nào cũng nhìn nhận tỷ giá hối đoái tiền đồng - đô la Mỹ như cách nhìn nhận của chúng ta. Không ai có thể phủ nhận chúng ta đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Tháng 5-2018 vừa rồi, khi tập đoàn FLC tổ chức hội thảo tại Mỹ và ký hợp đồng trị giá khoảng 6 tỉ đô la Mỹ mua máy bay của hãng Boeing, các nhà kinh tế đã nhận xét đó là một nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam nhằm giảm bớt thặng dư thương mại. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn “san bằng” thặng dư thương mại không chỉ với Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác, kể cả Canada, Nhật, châu Âu.

Tổng thống Donald Trump không muốn một đồng đô la Mỹ quá mạnh. Ông đã từng tuyên bố Liên minh châu Âu và Trung Quốc thao túng đồng nội tệ nhằm đẩy đô la Mỹ lên giá. Không ai có thể đảm bảo danh sách các quốc gia bị Mỹ cho là thao túng tiền tệ và có khả năng bị Mỹ áp thuế thương mại chỉ có châu Âu, Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại chưa hề dịu đi và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 10-2018 đang rất gần, tỷ giá đang và còn là tâm điểm của chiến tranh tiền tệ. Lúc này, hơn bao giờ hết, cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam cần phải linh hoạt hơn, hiểu theo nghĩa cho phép áp dụng và tự do hóa các công cụ phái sinh (quyền lựa chọn tiền tệ, tương lai, hoán đổi...). Không cần thiết nhất nhất mọi nghiệp vụ phải được cấp giấy phép. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên bỏ (hoặc tạm dừng) chế độ cấp phép để các tổ chức tín dụng được tự do sử dụng các công cụ phái sinh để thị trường tự điều tiết. Ngay cả trên thị trường chứng khoán, hợp đồng tương lai nên áp dụng cho toàn bộ các cổ phiếu, không chỉ là một sản phẩm duy nhất là chỉ số VN30 như hiện nay.

Ở giai đoạn đầu của sự tự do hóa các công cụ phái sinh, thị trường tiến tới tự cân bằng cung cầu, vai trò dẫn dắt, tạo lập của những ngân hàng thương mại hàng đầu như Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank được thể hiện qua việc họ niêm yết, thay đổi tỷ giá giao dịch hàng ngày. NHNN tất nhiên có định hướng từ phía sau. Các ngân hàng khác sẽ trông vào bốn “ông lớn” để hành động sao cho thích hợp. Với một cách thức như vậy, chúng ta vừa giải quyết được câu chuyện giảm giá của đồng nhân dân tệ, vừa đứng xa khái niệm thao túng tiền tệ mà Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến Trung Quốc, châu Âu.

Bên cạnh đó, nhìn từ việc NHNN cho phép nhập ngoại tệ mặt và bán ra ngoại tệ vừa qua, nên chăng chúng ta nhìn nhận lại động thái này. Việt Nam không nên lúc nào cũng dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường vì chúng ta đang mong muốn và hướng tới việc được nhiều quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường.

Xem thêm

Hải Lý