|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ chế đầu tư và câu chuyện chậm trễ mở rộng Tân Sơn Nhất

21:09 | 15/01/2020
Chia sẻ
Những vướng mắc về cơ chế quản lí khiến Dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hai năm nay đã đủ điều kiện về vốn và các điều kiện khác cũng chưa thể khởi công xây dựng.

Trong khi đó, hạ tầng của sân bay quốc tế tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước đã quá tải vài năm gần đây và lượng hành khách vượt công suất thiết kế 1,5 lần.

Cơ chế đầu tư và câu chuyện chậm trễ mở rộng Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, vượt công suất thiết kế 1,5 lần nhưng việc nhà ga T3 đến khi nào được phê duyệt để xây dựng vẫn chưa được xác định thời gian. Ảnh: Baogiaothong.vn

Lòng vòng chuyện xin ý kiến thực hiện dự án

Hôm 10-1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giao Bộ KHĐT khẩn trương có ý kiến kết luận dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án (không sử dụng vốn ngân sách).

Dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), được Bộ GTVT (đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại thời điểm đó) phê duyệt tháng 3-2018. Bộ đã phê duyệt dự án vào danh mục dự án A (dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng mức đầu tư 10.990 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do tháng 10-2018, ACV và các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước lớn khác được chuyển về UBQLVNN theo quyết định của Thủ tướng nên “Các kế hoạch, chương trình, dự án, các hoạt động của doanh nghiệp và các nội dung khác thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được các cơ quan chuyển giao quyết định trước ngày Nghị định (về quyền và trách nhiệm của UBQLVNN) có hiệu lực thì doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện theo các các quyết định trước đó”. Nói một cách khác, ACV tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư theo kế hoạch được phê duyệt.

Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Người đại diện vốn nhà nước tại ACV đã làm văn bản báo cáo xin ý kiến UBQLVNN và ủy ban lại xin ý kiến ...Bộ GTVT về phương án đầu tư (giao cho ACV hay không). 

Sau đó, Ủy ban này có ý kiến đồng ý phương án đề xuất (mà Bộ GTVT đã thông qua đầu 2018) giao cho ACV - đơn vị khai thác sân bay làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu cấp thiết quá tải hạ tầng hàng không.

Tiến độ đầu tư 37 tháng là khó khả thi

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thách thức ban đầu ở dự án này là việc khó có thể chỉ định thầu (giao dự án) cho doanh nghiệp đã cổ phần hóa như ACV. 

Tuy nhiên, điều khó khăn này đã được cởi bỏ bằng cách Bộ GTVT trình lên tính cấp bách của dự án để ACV được thực hiện dự án một cách nhanh chóng, thay vì đấu thầu có thể làm chậm tiến độ theo quy định.

Tuy nhiên, sự chậm trễ của dự án không vì thế mà được tháo gỡ. Việc có nhiều tầng nấc quản lý, thẩm định... đã khiến tiến độ phê duyệt dự án trong hai năm qua khá chậm trễ bởi phải đi từ cơ quan này thẩm định đến cơ quan khác cho ý kiến. 

Vấn đề của dự án là không phải gặp khó khăn trong huy động vốn hay giải phóng mặt bằng mà là cơ chế phê duyệt dự án.

Trong Báo cáo thẩm định dự án hồi tháng 11-2019 của Bộ KHĐT, cơ quan này quan ngại về tiến độ thực hiện dự án là khó khả thi vì dự án phải thực hiện các công việc (thi tuyển kiến trúc, lập báo cáo, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng...) . 

“Đề nghị ACV phải rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ KHĐT viết trong văn bản thẩm định.

Tuy nhiên, đến ngày 10-1-2020, Văn phòng Chính phủ lại truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng  về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Trước đó, váo tháng 11-2019, Bộ KHĐT đã trình từng hạng mục của dự án đã đáp ứng đúng quy định của pháp luật và trình Thủ tướng phê duyệt, quyết định.

Trong lúc các cơ quan quản lý vẫn kéo dài quá trình phê duyệt, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang tiếp tục quá tải, ngày ngày phục vụ lượng hành khách vượt 1,5 lần công suất thiết kế, và dự án đầu tư nhà ga T3 (20 triệu hành khách/năm) vẫn tiếp tục phải chờ.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải).

Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 10.990 tỉ đồng.


Ngoc Lan