|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CII muốn bán quyền thu phí các dự án BOT để lấy 4.400 tỷ trả nợ

11:45 | 30/09/2021
Chia sẻ
Giải đáp vấn đề nhà đầu tư quan tâm đó là dòng tiền để trả các khoản nợ, lãnh đạo CII cho biết, công ty đã đặt mục tiêu thu về hơn 8.200 tỷ đồng trong quý IV và năm sau, bao gồm 4.400 tỷ đồng từ chuyển nhượng quyền thu phí BOT.
CII sắp có nguồn thu hơn 8.200 tỷ đồng, chuẩn bị kết thúc giai đoạn dòng tiền âm - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Xa lộ Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh minh họa: HDproland. com).

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) vừa có văn bản trả lời các câu hỏi của cổ đông.

Vì sao CII liên tục huy động trái phiếu?

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc liên tục phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trong thời gian qua, CII cho biết đây là kênh huy động vốn phù hợp với nhu cầu của công ty cũng như khẩu vị của nhà đầu tư. Chưa kể, công ty đã huy động vốn qua kênh này với nhiều đợt, nhiều loại trái phiếu kể từ ngày thành lập chứ không riêng thời gian gần đây.

Theo CII, giai đoạn 2018 - 2021 là giai đoạn cao điểm giải ngân vốn đầu tư công, dự án trọng điểm (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Xa lộ Hà Nội,...). Tổng mức đầu tư các dự án này hơn 20.000 tỷ đồng.

CII sắp có nguồn thu hơn 8.200 tỷ đồng, chuẩn bị kết thúc giai đoạn dòng tiền âm - Ảnh 2.

Chi tiết tổng mức đầu tư của các dự án điển hình của CII năm 2018 - 2021. (Nguồn: CII).

Bên cạnh đó, việc các loại hình đầu tư BOT và bất động sản bị xếp vào loại có rủi ro cao nên các ngân hàng rất hạn chế cho vay theo dự án hoặc với tỷ lệ vay thấp. Điều này đặt ra cho CII phải sử dụng tài sản để huy động vốn nhằm đưa dự án đúng tiến độ.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đã thay đổi khẩu vị, ưa chuộng trái phiếu hơn nên CII buộc phải thay đổi để phù hợp. Do vậy công ty đã tăng cường áp dụng hình thức huy động này trong vòng ba năm qua, với tỷ lệ dư nợ trái phiếu/dư nợ đi vay tăng từ 14,3% lên 36,6% giai đoạn 2017 đến tháng 6/2021.

Để sử dụng vốn hiệu quả, CII phải chia nhỏ các đợt phát hành, do vậy tần suất huy động trái phiếu cũng nhiều hơn so với trước.

CII sắp có nguồn thu hơn 8.200 tỷ đồng, chuẩn bị kết thúc giai đoạn dòng tiền âm - Ảnh 3.

Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của CII.

Theo thống kê của CII tại ngày 27/9, các nhà đầu tư trái phiếu của công ty là những tên tuổi lớn, gồm ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư này đang nắm 89% khoản tài trợ vốn cho CII.

Công ty khẳng định, giai đoạn căng thẳng nhất về dòng tiền của CII (2018 - 2021) đã qua do đó công ty cam kết thanh toán lãi, gốc cho tất cả khoản nợ.

Đặt mục tiêu thu về hơn 8.200 tỷ đồng trong quý IV và năm sau, gồm 4.400 tỷ đồng từ chuyển nhượng quyền thu phí BOT

CII cho biết dự kiến quý IV và năm 2022, tất cả các dự án trọng điểm công ty đầu tư sẽ đi vào khai thác. Điều này sẽ tạo nguồn thu 8.226 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ. Trong thời gian gần, CII sẽ kết thúc giai đoạn dòng tiền âm.

Trong đó, nguồn thu từ các dự án bất động sản đã hoặc sắp hoàn thành dự kiến mang về cho CII 1.126 tỷ đồng. Khoản thu 700 tỷ đồng cho CII sau khi trả nợ vay từ thu phí giao thông. Cộng với khoản thu 2.000 tỷ đồng từ việc hợp tác đầu tư phát triển các dự án.

Ngoài ra, trong năm sau, việc chuyển nhượng dòng tiền, hay nói cách khác là chuyển nhượng quyền thu phí dự án BOT sẽ đem về cho CII 4.400 tỷ đồng. Đây vốn là các dự án dài hạn, nhằm tạo nguồn thu bền vững cho các chủ đầu tư BOT. Theo CII, đây là phương án thu hồi vốn nhanh nhất mà công ty từng thực hiện.

Giá trị tài sản trên sổ sách sẽ tăng 6.124 tỷ đồng khi áp dụng chuẩn mực IFRS

Mới đây, Hội đồng quản trị CII đã có chủ trương chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất từ VAS (giá trị tài sản tính trên nguyên tắc giá gốc) sang chuẩn mực IFRS (định giá theo giá thị trường).

CII ước tính giá trị tài sản của nhóm các công ty thuộc CII sẽ tăng thêm 6.124 tỷ đồng so với ghi trên sổ sách kế toán hiện nay lên 17.824 tỷ đồng sau khi áp dụng phương pháp tính mới. Lúc này, chỉ số nợ vay công ty mẹ ước khoảng 1,07 lần (phương pháp cũ là 3,33 lần), tỷ lệ nợ trên tổng tài sản 53,4%.

Nếu áp dụng theo giá trên thị trường chứng khoán, chỉ số nợ vay của CII vào ngày 24/9 sẽ là 1,15 lần.

Minh Hằng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.