|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyện TCBS tăng vốn khủng sau nhiều năm tích cóp và thế thượng phong của nhóm nội

16:17 | 26/08/2022
Chia sẻ
Thông tin kế hoạch tăng vốn khủng mới đây của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities, TCBS) được giới đầu tư quan tâm. Sau tăng vốn, TCBS sẽ là công ty chứng khoán đứng thứ ba về vốn trên thị trường.

Chứng khoán TCBS tăng vốn khủng sau nhiều năm tích cóp

Theo kế hoạch đưa ra, TCBS sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.126 tỷ đồng lên 9.249,8 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trong đó, TCBS chào bán riêng lẻ 85.350 cổ phần cho 31 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/cp. Thông tin từ phía công ty cho biết, việc chào bán riêng lẻ nhằm tri ân và giữ chân những người quản lý, cán bộ nhân viên và các đối tác quan trọng, bổ sung thêm vốn cho các hoạt động kinh doanh.

Cổ phần chào bán riêng lẻ của TCBS bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày chào bán và sẽ chỉ được chuyển nhượng tối đa 50% tại thời điểm diễn ra sự kiện chào bán và 50% còn lại diễn ra sau sự kiện chào bán.

Các sự kiện chào bán được TCBS định nghĩa là chào bán cổ phần cho đối tác không phải cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc công ty niêm yết trên sàn. Với điều kiện trên, nhà đầu tư mua phát hành riêng lẻ không dễ dàng để chuyển nhượng cổ phiếu của TCBS.

Không giống như nhiều đơn vị khác trong ngành khi tăng vốn từ “hầu bao” của giới chủ, TCBS sử dụng chính nguồn vốn tích cóp từ hoạt động kinh doanh trong nhiều năm liền để tăng vốn điều lệ. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ lần này là 8.122,8 tỷ đồng.

Cụ thể nguồn vốn gồm 7.898 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 112,4 tỷ đồng từ quỹ dự trữ bổ sung điều lệ và 112,4 tỷ đồng từ quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ. Tại ngày 30/6, TCBS đang có 8.831 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối trong đó lợi nhuận đã thực hiện là 8.810 tỷ đồng và lợi nhuận chưa thực hiện là 20,4 tỷ đồng.

Với việc phát hành theo tỷ lệ 1:7,2075, TCBS là công ty chứng khoán tăng vốn mạnh chỉ đứng sau VPBank Securities trong những tháng đầu năm nay. Song, cần lưu ý rằng việc tăng vốn của TCBS lần này là sự điều chuyển khoản mục, phát sinh không đáng kể dòng tiền mới vào công ty.

Sau tăng vốn, TCBS đang từ vị trí ngoài Top20 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trở thành đơn vị đứng thứ ba về quy mô vốn điều lệ, xếp sau SSI và VNDirect.

 Vốn điều lệ của 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Thế thượng phong của nhóm nội

Trở lại với bức tranh về vốn của ngành chứng khoán, hai năm trở lại đây chứng kiến cuộc đua gắt gao giữa các công ty, đặc biệt là nhóm nội địa. Nếu như trong giai đoạn 2017 – 2019, nhóm công ty chứng khoán từ Hàn Quốc chiếm ưu thế nhờ lợi thế về nguồn vốn chủ từ công ty mẹ.

Từ đầu năm 2020, thị trường chứng khoán làn sóng tăng vốn ồ ạt nhằm đáp ứng như cầu vốn bùng nổ của thị trường. Một số cái tên mới nổi trong ngành sau khi đổi chủ như DNSE, DSC, Chứng khoán Tiên Phong (TPS), KS Securities.

Tâm điểm nhất là thương vụ tăng vốn của VPBank Securities từ 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng nhờ tiềm lực tài chính của ngân hàng mẹ là VPBank.

Còn ở nhóm niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty tăng vốn mạnh thông qua hai luồng vốn đó là lợi nhuận giữ lại từ hoạt động kinh doanh và chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Nửa đầu năm nay, thị trường chứng kiến hai thương vụ tăng vốn khủng từ Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và VNDirect (Mã: VND). Hai đơn vị này nâng quy mô vốn điều lệ lên gần 15.000 tỷ đồng và hơn 12.000 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị khác cũng tăng vốn mạnh thông qua hai phương thức trên như SHS, VIX, Bản Việt.

Sau cuộc đua, nhóm công ty chứng khoán trong nước đang chiếm thế thượng phong trong ngành. Trong Top5, Top10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường, duy nhất đại điện đến từ Hàn Quốc là Mirae Asset (Việt Nam). KIS Việt Nam và KB Việt Nam lọt chỉ Top15.

Trong lịch sử, từng có thời điểm Mirae Asset dẫn đầu về quy mô vốn trong ngành. Nhưng mỗi giai đoạn, ngành chứng khoán sẽ chứng kiến những câu chuyện khác nhau. Khi thị trường còn sơ khai, nhóm công ty chứng khoán nhà nước, công ty con của các ngân hàng cũng từng độc chiếm ngôi vương của ngành.

Lợi Hoàng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.